Cảnh báo biến chứng liệt mặt, chảy dịch não khi cấy ốc tai điện tử
(Dân trí) - Khảo sát trên hàng trăm bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử ở Hà Nội và TPHCM, các bác sĩ ghi nhận một số trường hợp xuất hiện các biến chứng như tổn thương da, chảy dịch não tủy, liệt mặt.
Báo cáo về phẫu thuật cấy ốc tai điện tử tại hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Tai Mũi Họng 2023, diễn ra ở TPHCM ngày 16/12, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, nghe kém là một trong những khiếm khuyết về mặt giác quan thường gặp nhất, ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng hòa nhập cuộc sống của bệnh nhân.
Đặc biệt ở trẻ em có tình trạng nghe kém, khi không được hỗ trợ sức nghe đầy đủ, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển sẽ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Trong đó, bất thường tai trong (gồm 8 nhóm) chiếm tỷ lệ khoảng 20% các trường hợp nghe kém tiếp nhận nặng, sâu 2 bên ở trẻ nghe kém bẩm sinh.
Theo bác sĩ Quang Minh, điều trị nghe kém đã có tiến bộ lớn trong những năm gần đây, với sự ra đời của phương pháp cấy ốc tai điện tử, nhất là từ khi có ốc tai loại đa kênh.
Tuy nhiên, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử ở các trường hợp bất thường tai trong ở trẻ nghe kém bẩm sinh thường cần có những thay đổi trong phương pháp phẫu thuật, cũng như lựa chọn điện cực phù hợp với từng trường hợp. Đồng thời, cần phân loại các bất thường tai trong một cách chính xác.
Theo nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho 24 trẻ bị bất thường trong tai. Qua ghi nhận, có 4 trường hợp xuất hiện biến chứng chảy dịch não tủy, 2 ca bị liệt mặt, nhưng sau khi xử trí đều đã phục hồi hoàn toàn.
Còn theo báo cáo của tác giả Cao Minh Thành về những biến chứng thường gặp của 372 trẻ trong và sau phẫu thuật cấy ốc tai điện tử (nghiên cứu từ năm 2010 đến tháng 5 năm nay) tại 2 trung tâm Tai Mũi Họng ở Hà Nội, có 21 trẻ bị biến chứng sớm (chiếm 5,6%).
Trong đó, 6 ca biến chứng nặng, bao gồm tụ máu vùng da đặt thiết bị (4 ca), liệt dây thần kinh số 7 (2 ca), không có trường hợp nào rò dịch não tủy. Ngoài ra, có 15 trẻ biến chứng nhẹ, như tổn thương da ở chỗ đặt thiết bị, viêm tai giữa cấp mủ bên phẫu thuật.
Biến chứng muộn (sau 7 ngày mổ) gặp ở 35 bệnh nhân, bao gồm 20 ca biến chứng nặng.
Đáng chú ý, có 11 bệnh nhi phải phẫu thuật thay bộ ốc tai, 2 ca nhiễm khuẩn vùng đặt thiết bị, 1 ca Cholesteatoma (viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy), 6 trẻ viêm tai giữa cấp mủ dai dẳng…
Các bác sĩ kết luận, biến chứng gặp trong cấy ốc tai điện tử chiếm tỷ lệ hơn 15%, trong đó biến chứng nặng hay gặp nhất là chấn thương hỏng thiết bị hoặc thiết bị không hoạt động phải phẫu thuật thay thế.
Dị dạng tai trong làm tăng độ khó khi phẫu thuật và có khả năng gặp biến chứng sớm cao hơn so với tai trong bình thường. Nhìn chung, phẫu thuật cấy ốc tại điện tử có thể thay đổi cuộc sống của trẻ từ người tàn tật thành người bình thường, do đó đem lại cho người bệnh nhiều cơ hội sống tốt hơn là rủi ro.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trần Quang Minh cho biết, hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Tai Mũi Họng 2023 có chủ đề "Phát triển kỹ thuật chuyên sâu Tai Mũi Họng", gồm 36 bài báo cáo khoa học chuyên sâu của các bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng phát triển mạnh trên toàn quốc.
Hội nghị diễn ra nhằm cập nhật về kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng, kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh.