Cận và loạn thị cao có thể mổ mắt để không phải đeo kính?
(Dân trí) - Xin hỏi bác sĩ, cháu năm nay 17 tuổi, cận đến 9 độ, loạn thị 2 độ, cháu có mong muốn được mổ để không phải đeo kính.
Nhưng khi cháu đi khám, bác sĩ có nói độ loạn cận cao, rồi giác mạc mỏng. Cháu băn khoăn, không rõ có phương pháp nào có thể can thiệp với người có độ cận, loạn cao như cháu. Cháu đang rất lo lắng, xin bác sĩ tư vấn (Tuấn Phong, Thanh Xuân, Hà Nội).
ThS.BS Nguyễn Văn Sanh trả lời:
Tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị tật khúc xạ hiện có thể lựa chọn đeo kính, hoặc phẫu thuật để thị lực tốt nhất mà không cần đeo kính.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị tật khúc xạ. Các phương pháp mổ cận phổ biến là phương pháp can thiệp độ cong giác mạc gồm Smile, Lasik, SmartSurFace... hoặc phương pháp can thiệp kính nội nhãn như Phakic ICL.
Các phương pháp này đều góp phần cải thiện thị lực người bệnh, tuỳ từng trường hợp sẽ có chỉ định phương pháp cho phù hợp.
Như với bạn, với độ cận và loạn cao, lại thêm giác mạc mỏng, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Hiện nay, kỹ thuật Phakic ICL được ứng dụng thành công tại nhiều bệnh viện mắt kỹ thuật cao chỉ định cho những trường hợp giác mạc mỏng, cận và loạn thị cao.
Đây là phương pháp phẫu thuật đưa một thấu kính rất mỏng, nhỏ vào bên trong mắt của người có tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) qua một đường mổ rất nhỏ khoảng 2,2-2,8 ly. Bệnh nhân hoàn toàn không chảy máu trong quá trình phẫu thuật, một cuộc can thiệp chỉ diễn ra khoảng 5 phút.
Thấu kính ICL được làm bằng vật liệu sinh học Collagen tinh khiết với đặc tính sinh học cao không bị lắng đọng cặn tế bào, không gây phản ứng đào thải bởi hệ miễn dịch của cơ thể.
Vì thế, khi đưa thấu kính vào mắt không gây kích ứng, không gây tăng nhãn áp, không gây đục thủy tinh thể, không làm tổn hại tế bào nội mô. Trong quá trình đeo thấu kính, nếu bệnh nhân gặp các vấn đề về mắt như viêm giác mạc, đau mắt... đều không ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Đặc biệt, vì không can thiệp trên độ cong giác mạc (bào mỏng lớp giác mạc) như các phương pháp Lasik, SmartSurface, Smile... nên sẽ ít gây chói, lóa sau mổ, không khô mắt, thị lực hồi phục nhanh.
Đặc biệt, việc phẫu thuật nhanh khoảng 5 phút, không đau, không chảy máu, chỉ cần thuốc rỏ gây tê tề mặt.
Tuy nhiên, năm nay bạn mới 17 tuổi, chưa đủ tiêu chuẩn để áp dụng phương pháp này. Phương pháp thấu kính ICL được chỉ định cho bệnh nhân từ 21 tuổi trở lên (có độ ổn định cận, loạn ở mức cao nhất, ổn định ít nhất trong 1 năm).
Phương pháp này có thể ứng dụng cho người có độ cận đến 20 độ, độ loạn đến 6 độ, độ viễn đến 10 độ.
Trước khi tiến hành mổ bệnh nhân sẽ cần được đánh giá chính xác các thông số của mắt như đo khúc xạ (xác định độ, xác định trục loạn độ loạn), đo độ sâu tiền phòng, đo góc tiền phòng, chụp bản đồ giác mạc, nhãn áp... sau đó sẽ được tính toán trên phần mềm chuyên dụng để tính được số kính, kích thước kính, trục của kính (nếu có loạn thị).
Mỗi cặp thấu kính sẽ được tính toán phù hợp với thông số mắt của từng người sau khi thông số được gửi đến nhà sản xuất. Vì thế, bệnh nhân cần chờ từ 3-5 tuần.
Bạn nên chờ để đánh giá độ cận, loạn ổn định ít nhất 1 năm để có thể được can thiệp bằng phương pháp này.
Hồng Hải (ghi)