Cẩn trọng xơ phổi, tắc động mạch phổi hậu Covid-19

Trường Thịnh

(Dân trí) - Khỏi Covid-19 được một tuần, nam bệnh nhân vẫn ho nhiều, hụt hơi, SpO2 tụt dưới 90%. Đến khám tại BVĐK Tâm Anh, anh được chẩn đoán có xơ phổi và tắc động mạch phổi cả 2 bên.

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân mắc cùng lúc 2 di chứng xơ phổi và tắc động mạch phổi hậu Covid-19.

Bệnh nhân là anh Đ.T.D (45 tuổi, quận Thanh Xuân) mắc Covid-19 đầu tháng 2/2022, trước đó chưa tiêm vaccine. Tình trạng tổn thương phổi nặng nên anh phải nhập viện điều trị hồi sức tích cực, thở oxy và lọc máu 2 lần. Sau 2 tuần điều trị anh được xuất viện về nhà nhưng vẫn ho khan nhiều, khạc đờm trắng, người sốt nhẹ, hụt hơi khi nói, chỉ số SpO2 đo tại nhà có lúc tụt còn 87%.

Đến khám tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, các bác sĩ xét nghiệm D-dimere thấy chỉ số tăng cao, nghi ngờ có tắc mạch phổi nên chỉ định anh chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) để đánh giá hệ động mạch phổi. Qua ảnh chụp, bác sĩ phát hiện anh có huyết khối ở cả hai bên động mạch phổi, gây tắc hoàn toàn nhánh thùy lưỡi bên trái và nhánh phân thùy trước trong bên phải. Anh cũng bị xơ phổi lan tỏa hai bên dạng tổ chức kẽ, xen lẫn các tổn thương dạng "tổ ong". Anh D được chẩn đoán bị viêm phổi kẽ, huyết khối động mạch phổi và suy hô hấp hậu Covid-19.

Cẩn trọng xơ phổi, tắc động mạch phổi hậu Covid-19 - 1
Bác sĩ cho biết, căn cứ vào ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy phổi của anh D bị tổn thương (Ảnh: BVĐK Tâm Anh).

Với kinh nghiệm chuyên sâu trong điều trị các ca bệnh hô hấp khó, phức tạp, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh Hà Nội đã điều trị thành công ca bệnh này. Chỉ sau một tuần tích cực điều trị bằng thuốc uống, thở oxy kính kết hợp tập phục hồi chức năng hô hấp sức khỏe anh D tiến triển tốt, giảm ho, hết sốt, chỉ số SpO2 đạt 94-95% lúc nghỉ, không phải thở oxy. Đặc biệt thể lực được cải thiện rõ rệt, anh D đã có thể đi lại và tập thể dục nhẹ nhàng, nói chuyện không còn hụt hơi.

Cẩn trọng xơ phổi, tắc động mạch phổi hậu Covid-19 - 2
Bác sĩ dặn dò anh D trước khi xuất viện. (Ảnh: BVĐK Tâm Anh).

PGS Hạnh cho biết, thời gian gần đây BVĐK Tâm Anh Hà Nội liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 với các di chứng đa dạng ở hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh. Trong đó biểu hiện di chứng trên hô hấp thường rõ ràng và nặng nề nhất, bao gồm khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, huyết khối động mạch phổi và tổn thương xơ phổi…

"Di chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra ở những bệnh nhân có các mức độ bệnh khác nhau trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, gồm cả người bị nhiễm trùng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Người mắc Covid-19 nặng sẽ có nguy cơ bị di chứng cao hơn, với mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn, đặc biệt là những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ", PGS Hạnh cho biết.

Theo PGS Hạnh, xơ phổi, tắc động mạch phổi là hai tổn thương có thể gặp trong và sau nhiễm Covid-19, cần được phát hiện và can thiệp điều trị sớm để phục hồi được chức năng hô hấp. Điều trị kịp thời ở giai đoạn càng sớm kể từ khi có triệu chứng Covid-19 kéo dài và hậu Covid thì khả năng phục hồi càng cao.

Vì vậy, chẩn đoán phát hiện sớm xơ phổi, tắc động mạch phổi và một số di chứng khác ở phổi có vai trò vô cùng quan trọng. Những tổn thương nhỏ như dày tổ chức kẽ, giãn phế nang - phế quản, dày thành phế quản, xơ phổi hay tắc động mạch phổi… rất dễ bị bỏ sót nếu chỉ dùng phương pháp chụp X - quang tim phổi thông thường, do đó cần các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, chụp cắt lớp vi tính phổi là phương pháp tốt để đánh giá các tổn thương nhu mô phổi và hệ động mạch phổi. Đặc biệt chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) giúp bác sĩ đánh giá chính xác có tắc động mạch phổi hay không, kể cả ở các nhánh nhỏ. Thời gian chụp ngắn chỉ vài giây, có thể xem hình ảnh ở nhiều hướng hoặc tái tạo 3D… để nhìn rõ tổn thương nhất. "Chụp MSCT có thể xem là "tiêu chuẩn vàng" trong phát hiện di chứng phổi hậu Covid-19", PGS Hiền nhận định.

Người có di chứng ở phổi hậu Covid-19 cần được tập vật lý trị liệu song song với điều trị nội khoa để phục hồi chức năng hô hấp, tim mạch, cơ bắp… bao gồm tập thở và vận động chủ động. Song song với đó, người bệnh có thể được chỉ định tập thêm với các máy trị liệu khác như máy chạy bộ, máy từ rung nhiệt - kết hợp giữa nhiệt, rung và từ trường để tạo ra các rung động vi thể, có tác dụng chống viêm, giúp đờm trong phổi khạc ra dễ hơn, nhờ đó làm cho đường thở thông thoáng, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục phổi.

Tính đến tháng 3/2022, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 440 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó hơn 5,9 triệu trường hợp đã tử vong. Mặc dù hầu hết những người mắc Covid-19 trở về trạng thái bình thường trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân lại gặp phải các tình trạng bệnh lý Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19. Các triệu chứng xuất hiện mới, tái phát hoặc tồn tại kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng kể từ lần đầu tiên bị nhiễm SARS-CoV-2. Những triệu chứng này rất đa dạng: Khó thở, mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, tim đập nhanh, đau khớp, thay đổi khứu giác vị giác… Di chứng hậu Covid-19 xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ, tuổi trung niên và những người mắc bệnh ban đầu có nhiều triệu chứng.

PGS Hạnh khuyến cáo, khi gặp các triệu chứng hậu Covid-19, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ đánh giá, đưa ra hướng khắc phục sớm, tránh để kéo dài làm ảnh hưởng tới công việc và chất lượng cuộc sống, có thể dẫn đến các di chứng khó hồi phục. Bệnh nhân từng mắc Covid-19 nặng nên được thăm khám chuyên khoa hô hấp để được làm các xét nghiệm về thăm dò chức năng hô hấp và hình ảnh học. Dựa trên những tổn thương ở phổi và tình trạng chức năng hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như tập phục hồi chức năng hô hấp, tập thở, dùng thuốc…