1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tai nạn ở trẻ nhỏ:

Cẩn thận không bao giờ thừa!

(Dân trí) - Hai ca trẻ nhỏ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng vật vã, thiếu ôxy lên não do bị ngạt nước, lơ mơ, phổi bị tổn thương nặng, người gồng cứng. Nguyên nhân vì ngã vào xô chứa nước. Đã đến lúc “báo động khẩn” về tai nạn ở trẻ.

Nguy hiểm từ sự vô thức

 

 

Cẩn thận không bao giờ thừa! - 1

Thay vì để trẻ hồn nhiên chơi đùa gần cột điện ngập nước...

Trẻ con rất hiếu động, đặc biệt là những trẻ mới chập chững. Nhiều tai nạn đã xảy ra do một phút lơ là của người lớn.

Sáng 10/5, chúng tôi đến khoa Ngoại thần kinh (BV Nhi đồng 2, TPHCM), bé gái tên V. (gần 2 tuổi ngụ ở Q.12, TPHCM) đang nằm điều trị tại đây do bị chấn thương đầu vì té từ trên cao xuống. Bé leo lên tủ khiến chiếc ti vi gần đó đổ đè lên người.

 

Một trường hợp khác là bé trai Nguyên. T. (3 tuổi, ở Tân Bình, TPHCM) bị thương ở đầu do va vào vòi nước. Theo lời mẹ bé, trong lúc chị đang làm bếp, bé vào nhà tắm nghịch nước. Nghe con khóc ngất, chị vội chạy vào thì thấy máu bé chảy ướt mặt nên lập tức đưa đi bệnh viện. Thì ra khi đứng lên, cháu bị đội đầu vào vòi nước.

 

Gần đây nhất là hai vụ trẻ ngụ tại quận 7, TPHCM và ở Long An, ngã vào xô, thùng chứa nước phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Cả 2 bé nhập viện trong tình trạng vật vã, thiếu oxy lên não do bị ngạt nước, lơ mơ, phổi bị tổn thương nặng, người gồng cứng. Các bác sĩ phải hỗ trợ hô hấp và điều chỉnh nước điện giải, kết hợp dùng kháng sinh điều trị viêm phổi liên tục trong mấy ngày liền các bé mới dần tỉnh táo và trở lại bình thường.

 

Qua phân tích của các bác sĩ, trẻ nhỏ khi gặp tai nạn như trên thường không đủ sức để phản ứng (như gọi người lớn, la hét, ngóc đầu dậy…) nên dù thời gian xảy ra tai nạn rất ngắn cũng đủ để làm hư não, chấn thương nặng.

 

Nhiều kiểu té, ngã

 

Cẩn thận không bao giờ thừa! - 2

... hãy để ý đến trẻ ngay cả khi ở những nơi tưởng như rất an toàn

 
Theo báo cáo thống kê của cơ quan y tế mới đây, té ngã là tai nạn thường gặp nhất. Cụ thể do chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau; do sân chơi, sàn nhà trơn trượt, không bằng phẳng; do sự bất cẩn của người lớn (ngã cầu thang, ngã gác, ngã võng).

 

Ngã từ trên cao xuống do sự bất cẩn của người lớn thường gặp như: ngã từ xe đẩy, trên giường xuống, ngã do leo trèo, ngã do tai nạn giao thông và té ngã vào nước gây ngộp hoặc nước sôi gây phỏng…

 

Tại khoa Chỉnh hình Nhi của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TPHCM), trong số vài chục trường hợp trẻ bị tai nạn nhập viện/ngày, chiếm hơn 50% là các ca té ngã ở trường học, khu vui chơi. Như trường hợp của em Đạt (7 tuổi), học sinh trường Tiểu học Tân Thới Nhất (Q.12, TPHCM) bị gãy tay do đùa giỡn, chạy nhảy với bạn trong trường, bé Thanh Trúc (6 tuổi, ở phường 13, Q. Tân Bình, TPHCM) vào viện do bị té gãy tay khi đi chơi ở khu vui chơi tại công viên Hoàng Văn Thụ.

 

Trước những tai nạn dễ xảy ra với trẻ, các bác sĩ khuyến cáo: Các bà mẹ đừng chủ quan, lơ là trong việc giám sát, theo dõi con trẻ; không cho trẻ cầm các vật nhọn, không đặt vật nhỏ, tròn như hạt nút; các loại hạt; nước sôi... trong tầm với của trẻ; hạn chế dùng xe tập đi cho trẻ; bọc nệm các cạnh bàn; làm hàng rào ngay các bậc lan can, cầu thang; kiểm tra các cửa sổ xem trẻ có thể trèo qua hay không, nếu có nên khóa lại cẩn thận,…

 

Lưu ý người lớn phải đặc biệt quan tâm trẻ mới biết đi, biết bò, bởi dễ mắc các tai nạn đáng tiếc trong nhà, trong đó có nguy cơ ngạt nước do ngã vào thùng chứa. Cẩn thận hơn, phụ huynh không nên để các vật chứa nước (dù ít nước) trong tầm với của trẻ.  

 

Khi thấy trẻ bị ngã, phụ huynh cần xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất. Cách xử lý ban đầu là lấy chiếc khăn, nhúng nước lạnh vắt ráo nước, rồi đắp lên trên vết bầm hoặc bọc nước đá vào khăn và áp lên chỗ chấn thương. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím thì cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương.

 

Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương, vết thương sưng và sau đó bị bầm tím, cử động khó khăn vùng bị chấn thương, hoặc chân hay tay trẻ có thể bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

 
Trung Kiên
Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ