1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần nghiêm túc đánh giá vắc-xin

Đó là đề nghị của một số chuyên gia sau hơn 20 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin thời gian qua.

Số trẻ phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem thời gian qua không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn khi triển khai tiêm lại vắc-xin này. Mặc dù các kết luận đã loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc-xin và quy trình tiêm chủng song đến thời điểm này, tai biến liên quan đến vắc-xin Quinvaxem vẫn là một câu hỏi lớn.

 

Cần khám sàng lọc tốt

 

Sau 2 ca tử vong liên quan đến vắc-xin Quinvaxem là bé trai 2 tháng tuổi tại Quảng Trị và bé gái 5 tháng tuổi ở Bạc Liêu thì mới đây lại có thêm một bé trai 2 tháng rưỡi tuổi ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng tử vong sau khi được tiêm vắc-xin này. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với trường hợp ở Lâm Đồng, nguyên nhân do chất lượng vắc-xin, quy trình tiêm chủng và yếu tố sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin đã được loại trừ. Nguyên nhân trẻ tử vong có thể do bệnh trùng hợp ngẫu nhiên hoặc cơ địa phản ứng quá mẫn cảm với vắc-xin. Như vậy sau hơn 3 tháng triển khai tiêm lại vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem trên toàn quốc đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp có phản ứng sốt, quấy khóc được gia đình đưa đến cơ sở  y tế theo dõi, trong đó ít nhất 3 trẻ tử vong liên quan đến tiêm vắc-xin Quinvaxem.

 

Khám sàng lọc bệnh trước khi tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem tại một điểm tiêm chủng ở Hà Nội

Khám sàng lọc bệnh trước khi tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem tại một điểm tiêm chủng ở Hà Nội

 

Theo ông Phu, các trường hợp phản ứng sau tiêm vừa qua thường là sốt nhẹ, đau, sưng hoặc đỏ chỗ tiêm và toàn thân khó chịu, trẻ quấy khóc… Đây là những phản ứng nhẹ, thông thường khi cơ thể trẻ tiếp nhận một kháng nguyên lạ nhưng hầu hết các phản ứng này tự khỏi. Với những phản ứng nghiêm trọng, sau khi điều tra nguyên nhân tử vong, hội đồng chuyên môn đều khẳng định không liên quan đến chất lượng vắc-xin.

 

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng công tác sàng lọc chưa tốt có thể là nguyên nhân dẫn đến các sự cố sau tiêm vắc-xin. “Có thể đứa trẻ đó có bệnh bẩm sinh sẵn nhưng nếu được sàng lọc tốt và chỉ định ngừng tiêm ngay sẽ hạn chế được các nguy cơ” - một chuyên gia dịch tễ nhận định.

 

Tiêm 12 triệu liều, 43 ca phản ứng nặng

 

Trước những lo ngại về hàng loạt trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho rằng người dân cần phân biệt phản ứng sau tiêm không phải là phản ứng do vắc-xin mà là phản ứng xảy ra sau khi tiêm. Tử vong có thể xảy ra sau tiêm Quinvaxem nhưng điều đó không có nghĩa là do chất lượng vắc-xin. “Sau khi tiêm chủng, do nhiều nguyên nhân dẫn tới một số phản ứng phụ trong đó thường gặp là do chất lượng vắc-xin, lỗi quy trình tiêm chủng, do các bệnh ngẫu nhiên trùng hợp và do chính cơ thể trẻ phản ứng lại với vắc-xin”, ông Hiển nói.

 

GS Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết phương án thay thế Quinvaxem tiến dần đến vắc-xin vô bào, để đáp ứng nhu cầu người dân cũng đã được trình Chính phủ, tuy nhiên, việc ngưng hay thay thế các loại vắc-xin cần có bằng chứng khoa học. Hiện vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

Cho rằng vắc-xin là một trong những loại “thuốc” an toàn nhất, tuy nhiên GS Phạm Ngọc Đính, Phó Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam, khẳng định không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối. GS Đính cho biết từ tháng 7/2010 (bắt đầu dùng Quinvax­em) tới tháng 4/2013, có khoảng 12 triệu liều Quinvaxem đã được sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, trong đó ghi nhận 43 trường hợp có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm (chiếm tỉ lệ 3,6/1 triệu liều). Tỉ lệ này thấp hơn mức trung bình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố (20 trường hợp/triệu liều vắc-xin chứa kháng nguyên bạch hầu - ho gà - uốn ván). Trong 43 trường hợp đó chỉ có 9 trường hợp có liên quan tới vắc-xin (trong đó không có tử vong). Tuy nhiên, với hơn 20 trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin được ghi nhận thời gian qua, nhiều chuyên gia đề nghị cần phải có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc.

 

Thực tế là sau những sự cố liên quan đến vắc-xin, ngành y tế đã có những giải pháp tích cực cho những mũi tiêm an toàn, đặc biệt đa số người dân đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động đúng đắn khi đưa con em đi tiêm chủng.

 

Mở rộng chống chỉ định để an toàn

 

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. Theo đó, các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng vắc-xin là trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin lần trước như: sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở. Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan…). Trẻ suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh)...  Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt ≥ 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt  ≤ 35,5 độ C; trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B. Trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2.000 g... cần hoãn tiêm vắc-xin.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm