Vẫn hoang mang khi đi tiêm vắc xin Quinvaxem

(Dân trí) - Trường hợp bé 3 tháng tuổi (Quảng Trị) tử vong sau 5 ngày tiêu vắc xin Quinvaxem dù đã được xác định là do viêm phổi, không phải do vắc xin nhưng vẫn khiến người dân lo lắng, bởi việc khám sàng lọc chưa phát hiện được nguy cơ viêm phổi của bệnh nhi.

Tử vong vì viêm phổi?

Dù đã được khẳng định bằng kết quả khám nghiệm tử thi của bệnh nhi H.V.C (3 tháng tuổi, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tử vong sau 5 ngày được tiêm vắc xin Quinvaxem là do viêm phổi, nhưng vẫn để lại nhiều băn khoăn bởi thời điểm khám sàng lọc không được phát hiện viêm phổi. Câu hỏi đặt ra, bệnh nhi này có được khám sàng lọc trước tiêm hay không?
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tại thời điểm tư vấn, sàng lọc trước tiêm vắc xin này sức khỏe bé C bình thường. Cũng theo ông Phu, trước khi tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế đã quán triệt, ra các quy định về khám sàng lọc, với nguyên tắc là sàng lọc triệt để, chặt chẽ.  Thậm chí, các chỉ định, hoãn tiêm còn rộng rãi hơn để tránh những trường hợp trùng lặp, để nâng cao an toàn tiêm chủng. “Bộ Y tế đã quán triệt hơn tính chất khám trước tiêm, tư vấn sau tiêm, nhân viên y tế phải hỏi các bà mẹ nhiều hơn về tiền sử dị ứng, nghe tim phổi, khám hô hấp… Chính vì thế, Bộ Y tế quy định không quá 50 trẻ trong một buổi tiêm để việc khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn. Ngoài ra, tại các điểm tiêm cũng được bố trí đội cấp cứu lưu động để kịp thời xử lý khi có tình huống cấp cứu xảy ra. Ngoài ra quán triệt thực hiện việc theo dõi tất cả những trường hợp có nghi ngờ phản ứng sau tiêm và thời gian qua, các cơ sở y tế đã thực hiện rất tốt điều này”, ông Phu nói.

Về việc thực hiện khám sàng lọc trước tiêm, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, khám sàng lọc trong tiêm chủng trẻ sẽ được nhân viên y tế quan sát, đo nhiệt độ, nhịp thở, nhịp tim và hỏi kỹ về tiền sử dị ứng.

Ông Phu cũng chia sẻ, công tác khám sàng lọc đã được thực hiện rất triệt để, tốt hơn trước rất nhiều nhưng rất khó khăn để phát hiện một số bệnh lý như tim bẩm sinh, viêm phổi, sốt xuất huyết… trong thời gian ủ bệnh.

“Để xác định một ca viêm phổi trẻ em, trong bệnh viện, nghe tim phổi chưa đủ bác sĩ còn phải yêu cầu chụp phim X-quang mới có thể đưa ra chẩn đoán. Vì thế, với khám sàng lọc, rất khó khăn để một lần khám có thể phát hiện ra tất cả các bệnh. Có những bệnh có thời kỳ ủ bệnh, khi các vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nhưng chưa biểu hiện thành bệnh lý thì không thể phát hiện được”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, ngoài quan sát đứa trẻ, nghe tim, phổi, việc hỏi tiền sử dị ứng được đặc biệt quan tâm bởi tình trạng dị ứng liên quan đặc biệt đến tiêm chủng, khiến đứa trẻ dễ gặp phản ứng sau tiêm.
Khâu khám sàng lọc gồm khám mũi họng, nghe tim phổi và cặp nhiệt độ 

Khâu khám sàng lọc gồm khám mũi họng, nghe tim phổi và cặp nhiệt độ 

Khám sàng lọc có phát hiện viêm phổi?

Ngày 5/11, khi Hà Nội trở lại tiêm vắc xin Quinvaxem sau 5 tháng tạm dừng vắc xin này, tại Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa, theo quan sát của phóng viên Dân trí, tất cả mọi trẻ em đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc.

Theo đó, các bé được khám mũi họng, nghe tim phổi và cặp nhiệt độ. Nếu bé nào có các yếu tố nguy cơ như đang bị các bệnh nhiễm trùng, sốt trên 37 độ C.. sẽ phải hoãn tiêm.

Vậy việc khám sàng lọc trước tiêm có phát hiện nguy cơ viêm phổi?

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương),  viêm phổi ở trẻ nhỏ có nhiều căn nguyên, do vi rút, do nấm, vi trùng. Đối với viêm phổi do vi rút thì bệnh tiến triển rất nhanh, buổi sáng khám không sốt, không suy hô hấp nhưng đến chiều có thể trở bệnh nặng. Tuy nhiên, việc trẻ đang ủ bệnh trong người thì việc tiêm vắc xin tạo phản ứng kích thích cũng sẽ làm tăng phản ứng cơ thể của trẻ, khiến bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. Do đó, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ trước đó vài ngày, thông báo cho cán bộ y tế biết để có chỉ định đúng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bach Mai) cho biết, viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh không biểu hiện rầm rộ như ở trẻ lớn, nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn. Không giống viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dấu hiệu sốt, ho là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị viêm phổi rất nặng.

“Viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh diễn tiến cực nhanh. Có những trẻ ở thời điểm đi khám chưa có biểu hiện viêm phổi, nhưng chỉ vài tiếng sau đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh. Để chẩn đoán viêm phổi sơ sinh, trẻ nhỏ nếu chỉ bằng nghe tim phổi rất khó, giai đoạn ủ bệnh rất khó có thể phát hiện. Vì thế, với viêm phổi trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thường phải được khẳng định bằng các xét nghiệm, cận lâm sàng”, một chuyên gia về sơ sinh cho biết.

TS Nguyễn Văn Bình, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chia sẻ: “Việc khám chỉ định là rất khó khăn, trẻ nhỏ bệnh bẩm sinh thì rất khó phát hiện, nhất là thăm khám trong điều kiện thời gian rất ngắn. Dù ngành y tế vẫn có những quy định yêu cầu phải khám nhưng trên thực tế việc khám đó rất khó có thể phát hiện được hết tất cả các vấn đề. Cán bộ y tế chủ yếu hỏi mũi tiêm trước có biểu hiện như thế nào để lựa chọn mũi tiêm tiếp theo, khám các biểu hiện bên ngoài (sốt, dị dứng nổi mẩn da)… còn việc khám sàng lọc khó phát hiện tất cả những vấn đề khác (bệnh lý có liên quan). Vì thế, việc theo dõi chặt trẻ sau tiêm, kịp thời phát hiện những bất thường để đưa trẻ vào viện là vô cùng quan trọng”, ông Bình nói.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm