1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần làm gì khi bị kim dính máu nghi nhiễm HIV đâm?

(Dân trí) - Sau vụ 10 người bị kẻ lạ tấn công bằng vật nhọn khi đang đi trên đường, mới đây thêm nạn nhân khác tại TPHCM gặp thương tích tương tự gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Bác sĩ khẳng định các nạn nhân đều trong tình trạng phơi nhiễm HIV cần điều trị dự phòng sớm.

Nhiều vụ tấn công bằng vật sắc nhọn

Trong thời gian hơn 1 tháng qua, trên địa bàn TPHCM liên tiếp xảy ra những vụ tấn công người đi đường bằng vật nhọn gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Vụ việc khiến nhiều người gặp nạn nhất xảy ra trên địa bàn quận 5 từ ngày 23/3 đến ngày 1/4. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 10 nạn nhân đã phải đến thăm khám, xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Sau khi nhận được báo cáo tổng hợp từ bệnh viện, cơ quan công an đã vào cuộc và nhanh chóng xác định đối tượng gây ra vụ việc trên là Châu Kiều Bình Huy (30 tuổi, ngụ tại quận 5). Khi bị bắt, Bình Huy khai bị tâm thần, trong lúc không làm chủ được bản thân đã dùng vật sắc nhọn tấn công người đi đường. Cơ quan xác định đây là đối tượng có tiền án trộm cắp tài sản, từng phải đi cai nghiện ma túy, hiện các bước giám định tâm thần phục vụ điều tra đang được tiến hành để làm cơ sở xét xử theo quy định của pháp luật.

Cần làm gì khi bị kim dính máu nghi nhiễm HIV đâm? - 1

Vết thương trên cánh tay cô gái trẻ sau khi bị 2 kẻ lạ mặt tấn công (ảnh: Đăng Lê)

Khi cộng đồng còn chưa hết hoang mang sau vụ tấn công hàng loạt kể trên thì ngày 4/5 lại có thêm một nạn nhân khác gặp tình huống tương tự. Nạn nhân lần này là cô gái 23 tuổi, ngụ tại Dĩ An, Bình Dương. Người thân của nạn nhân cho hay, tối cùng ngày cô từ TPHCM trở về Bình Dương, khi dừng đèn đỏ tại giao lộ giữa Phạm Văn Đồng và Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) thì bị 2 thanh niên lạ mặt chạy xe gắn máy cùng chiều dùng vật sắc nhọn sượt vào cánh tay phải rồi rồ ga bỏ chạy.

Nạn nhân sau khi được sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương đã đến Viện Pasteur, TPHCM thực hiện các xét nghiệm và tiến hành điều trị dự phòng HIV. Các vụ tấn công trên không chỉ gây tâm lý hoảng sợ cho người bị nạn mà còn khiến cộng đồng hoang mang lo lắng trước mối đe dọa bị tấn công bất kỳ lúc nào khi đi ngoài đường dẫn tới nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có HIV.   

Nạn nhân cần làm gì khi bị vật dính máu nghi nhiễm HIV đâm?

Từ thực tế tiếp nhận các nạn nhân bị tấn công bằng vật sắc nhọn trên địa bàn quận 5, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho biết: Hầu hết người bệnh vào viện đều trong tình trạng hoảng loạn, lo lắng. Họ không biết phải làm gì, không biết mức độ nguy hiểm ra sao và có tâm lý hoảng sợ vì nghĩ mình đã nhiễm bệnh. Làm thế nào để xử lý đúng cách vết thương để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, điều trị ra sao đang là vấn đề cộng đồng cần biết để tránh tâm lý bất an, lo lắng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và cả các vấn đề về quan hệ xã hội.

Bác sĩ khẳng định, những trường hợp bị kim, vật sắc nhọn nghi dính máu đâm đều trong tình trạng phơi nhiễm HIV, nghĩa là có khả năng bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguy cơ nhiễm, bệnh nhân hoàn toàn có thể tránh được bệnh bằng những giải pháp sơ cứu, xử lý vết thương, điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.

Cần làm gì khi bị kim dính máu nghi nhiễm HIV đâm? - 2

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã tiếp nhận gần 1.000 ca phơi nhiễm HIV  trong 3 tháng đầu năm 2019

Theo tư vấn của BS-CKII Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, sau khi bị thương nghi nhiễm HIV, nạn nhân tuyệt đối không chích nặn máu từ vết thương để tránh tạo thêm những tổn thương, gia tăng thêm khả năng xâm nhập của vi rút vào cơ thể. Nạn nhân cần bình tĩnh lấy các dụng cụ sắc nhọn gây tổn thương, chảy máu ra khỏi cơ thể (nếu có); rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch; tránh cầm máu hoặc bịt chặt vết thương ngay mà để vết thương tự chảy máu trong thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương sau đó rửa kỹ lại bằng xà phòng và nước sạch rồi nhanh chóng đến cơ sở y tế.

Cũng theo BS Thành Dũng, nếu ở da có tổn thương nông, không chảy máu, chảy máu ít hoặc máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào vùng niêm mạc không bị tổn thương viêm loét thì nguy cơ nạn nhân bị lây nhiễm thấp. Riêng trường hợp da có tổn thương sâu, rộng, chảy nhiều máu, máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng có sẵn thì có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Sau khi đến bệnh viện, các nạn nhân sẽ được xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm máu để kiểm tra xem người bị nạn đã có nhiễm HIV hay chưa. Việc điều trị dự phòng có thể bắt đầu ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm để tránh nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, khi có kết quả xét nghiệm người bị nạn đã nhiễm HIV từ trước khi bị tai nạn, thì phải dừng điều trị phơi nhiễm vì việc điều trị không còn ý nghĩa.

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV hiệu quả bảo vệ rất cao. Hiệu quả này giảm dần theo thời gian đến viện điều trị sau khi bị đâm. Do vậy, người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt, không nên trễ quá thời gian cho phép là 72 giờ. Thời gian điều trị dự phòng phơi nhiễm phải kéo dài liên tục trong 28 ngày. Thuốc điều trị  là thuốc uống, sử dụng phối hợp 3 loại thuốc kháng siêu vi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau 3 tháng điều trị kể từ thời điểm bị phơi nhiễm hoặc có yếu tố nguy cơ bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại HIV. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, người bệnh có thể yên tâm không bị lây nhiễm HIV trong tình huống bị nạn.

Từ năm 1999 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới triển khai điều trị phơi nhiễm HIV. Mỗi năm tại đây tiếp nhận hàng nghìn ca cấp cứu, điều trị phơi nhiễm HIV từ những tình huống khác nhau. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, bệnh viện tiếp nhận điều trị phơi nhiễm 968 trường hợp, trong đó 302 ca phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp; 261 phơi nhiễm do đạp kim tiêm, tiếp xúc với máu và dịch tiết. TS Mạnh Hùng khẳng định, từ trước đến nay, tất cả các trường hợp bệnh viện tiếp nhận theo dõi, xử lý, bệnh nhân tuân thủ điều trị dự phòng, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm HIV.

Vân Sơn