Can chó nhà cắn nhau, người đàn ông trung niên bị cắn vào cổ mất máu tới chết
(Dân trí) - Khi thấy hai con chó nhà nuôi (loại chó béc giê) cắn nhau, người đàn ông đã cầm nạng đánh vào con chó để can ngăn. Bất ngờ cả hai con chó đều quay sang cắn chủ vào vùng cổ khiến người đàn ông bị mất máu nặng và tử vong sau hơn 2 giờ bị chó cắn.
BS Dương Ngọc Thắng, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, ngày 19/8 BV tiếp nhận ca tai nạn nghiêm trọng do chó nhà cắn. Thời điểm nhập viện các bác sĩ cũng choáng váng vì vết thương chó cắn gây ra quá trầm trọng, băng vết thương vùng cổ của nạn nhân thấm đẫm máu, bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch.
Bệnh nhân nam 49 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội vào viện trong tình trạng sốc mất máu rất nặng và rối loạn đông máu do vết thương cổ phải. Đáng nói, vết thương trầm trọng này do chính hai con chó nhà của nạn nhân gây ra.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân trước đây tai nạn giao thông nên cụt chân phải, di chuyển bằng chống nạng. Sáng đó, hai con chó nhà nuôi (là giống chó béc giê) cắn nhau ầm ĩ. Thấy vậy, người đàn ông này quát, xua đuổi để chó ngừng cắn nhau nhưng không được. Khi đó, anh liền cầm nạng đánh vào con chó để can ngăn, cho chúng sợ mà thôi cắn nhau.
Không ngờ, khi bị đánh nạng vào người, cả hai con chó lập tức quay lại lao vào cắn chủ. Vết chó cắn vùng cổ đã khiến bệnh nhân bị chảy máu rất nhiều.
Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào sơ cứu cầm máu tại bệnh viện gần nhà rồi chuyển thẳng đến BV Việt Đức.
BS Thắng cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng nề. Do vết thương ở cổ gây mất máu nặng nên ở thời điểm được đưa đến BV Việt Đức, bệnh nhân có biểu hiện sốc rất nặng do mất máu cấp. Bệnh nhân hôn mê sâu, huyết áp và mạch ngoại vi không đo được, băng vết thương sũng máu.
Các bác sĩ phát hiện vùng cổ phải bệnh nhân có 2 vết thương với mép vết thương nham nhở nằm trên đường đi của bó mạch cảnh (mạch máu chính nuôi não) đang tiếp tục chảy máu. Đấy chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân mất máu cấp gây sốc mất máu rất nặng và rối loạn đông máu do vết thương cổ phải.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đánh giá sốc mất máu nặng đã đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu. Bộc lộ vết thương cho thấy vết thương giập nát, nham nhở trên suốt đoạn dài 5 cm – tới tận sát góc hàm, vết thương động mạch đốt sống phải. Các bác sĩ đánh giá vết cắn đã gây tổn thương cả 2 động mạch chính nuôi não ở bên cổ phải.
Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt đoạn động mạch cảnh tổn thương, ghép bằng tĩnh mạch hiến tự thân, khâu cầm máu động mạch đốt sống.
Tuy nhiên sau ca phẫu thuật, do sốc quá nặng trước mổ, bệnh nhân đã mất tri giác và hôn mê sâu, rối loạn đông máu nặng với tiểu cầu còn 12.000 (bình thường là 150.000). Không còn khả năng điều trị, nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà. Như vậy chỉ sau khi bị chó cắn 2 giờ 30 phút, bệnh nhân đã tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, đây là ca tử vong thứ 2 do chó nhà cắn BV Việt Đức tiếp nhận trong hơn 1 tháng qua. Trước đó hơn một tháng, bé gái tròn 8 tháng tuổi nặng 10kg (Đội Cấn, Hà Nội) bị con chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn và cũng đã tử vong do mất máu quá nhiều.
Nay với bệnh nhân này, vết cắn chí tử vào động mạch chính khiến bệnh nhân mất máu trầm trọng, sốc mất máu dẫn đến tử vong.
Vì thế, các gia đình nuôi chó phải rất cảnh giác với các tai nạn chó cắn – kể cả chó nhà, do mức độ tổn thương hết sức trầm trọng trong thời gian gần đây.
Bởi khi bị chó cắn vào chỗ hiểm, chảy máu nhiều qua vết thương thì nhiều khả năng bị tổn thương vào mạch máu lớn sẽ gây mất máu nguy kịch.
Khi bị cắn vào vùng nguy hiểm gây chảy máu nhiều, hãy sơ cứu cầm máu nhanh nhất cho bệnh nhân bằng cách dùng khăn bông dầy bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời, rồi chuyển đến các bệnh viện lớn gần nhất để cầm máu và phẫu thuật cấp cứu – hoặc chuyển tuyến cao hơn. Không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục.
Hồng Hải