Căn bệnh mỗi năm hơn 3.000 trẻ Việt mắc phải, nhiều bà mẹ có ý định bỏ con
(Dân trí) - "Bác sĩ hứa sẽ vá lại miệng cho con, nếu lần 1 không hết thì sẽ vá lần 2, lần 3, thuyết phục tôi hãy giữ lại đứa bé trong bụng" - chị T.T.U. nhớ lại thời điểm suy sụp khi biết con mắc dị tật bẩm sinh.
Ngày 26/8, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đã chính thức ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Chăm sóc toàn diện khe hở môi - vòm (hay còn gọi là hở hàm ếch) đầu tiên tại TPHCM, nhân dịp tổng kết 10.000 ca phẫu thuật mà nơi này thực hiện sau 12 năm triển khai.
Căn bệnh mỗi năm hơn 3.000 trẻ Việt mắc phải
TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tỷ lệ trẻ bị khe hở môi - vòm đã tăng lên theo thời gian, trước đây cứ 750 trẻ chào đời có 1 trẻ mắc phải thì giờ đã thành 550 trường hợp có 1 trẻ. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000 trẻ sinh ra gặp phải bệnh này.
Bệnh khe hở môi - vòm có tính di truyền, có liên quan đến yếu tố môi trường, khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng vùng hàm, mặt. Về sức khỏe, khe hở trên miệng sẽ làm trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, phải dùng kháng sinh. Trẻ cũng không được bú mẹ ngay từ đầu đời, dẫn đến còi cọc, nếu không được can thiệp sớm có thể dẫn đến kém phát triển cả về thẩm mỹ lẫn trí tuệ.
Căn bệnh này khiến nhiều người trước đây từng có ý định bỏ con ngay khi trẻ chưa chào đời. Lại có trường hợp sinh con ra bị cả 2 bên gia đình chì chiết, coi là gánh nặng, "do ăn ở", "quả báo" của kiếp trước...
Để mang lại nụ cười và tiếng nói với những bệnh nhi bị khe hở môi - vòm, có thời điểm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có đến 3 khoa cùng thực hiện phẫu thuật là Ngoại khoa, Phỏng - Tạo hình và Răng Hàm Mặt.
Từ năm 2012 dưới sự đồng hành của tổ chức Smile Train, đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công 10.000 ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ sứt môi, hở vòm miệng. Trong đó, nhiều trẻ không chỉ bị hở môi - vòm mà còn bị tim bẩm sinh, thần kinh, dị dạng vùng sọ mặt, rối loạn chi...
Nhiều hình hài được "hồi sinh" sau phẫu thuật
Song song với việc phẫu thuật, hàng nghìn bệnh nhi cũng được chỉnh nha, âm ngữ trị liệu và chăm sóc dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Từ đó, trẻ không chỉ được phục hồi về các cấu trúc giải phẫu mà chức năng ngôn ngữ, phát âm cũng trở về bình thường, tự tin hơn trong giao tiếp hằng ngày.
Ngoài ra, bệnh viện cũng chú ý đến hoạt động tư vấn trước sinh, tạo niềm tin cho các cha mẹ, để họ đừng bỏ đứa trẻ đi. Có những hoàn cảnh, các bác sĩ phải theo dõi suốt nhiều năm để chỉnh sửa lại hình hài mà tạo hóa bất cẩn gây ra cho trẻ.
Như trường hợp của Thắng, 12 năm trước là một cậu nhóc đi bán vé số, bị dị tật hở môi bẩm sinh và còn bị bệnh tim nặng. Sau thời gian dài được thực hiện phẫu thuật, Thắng của hiện tại đã trở về cuộc sống bình thường, trở thành một chàng ảo thuật gia nổi tiếng với khuôn mặt điển trai, được nhiều người yêu mến.
Còn chị T.T.U. nhớ lại, khi vừa phát hiện đứa con trong bụng bị dị tật hở hàm ếch, chị suy sụp rất nhiều, khiến các bác sĩ phải liên tục làm công tác tinh thần. "Bác sĩ hứa sẽ vá lại vùng hở miệng cho bé, nếu lần 1 không hết thì sẽ vá lần 2, lần 3, thuyết phục tôi hãy giữ lại đứa bé trong bụng" - người phụ nữ xúc động chia sẻ hành trình từ lúc sinh đến ngày con được trả lại hình hài lành lặn.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, 10.000 ca phẫu thuật dị tật sứt môi chẻ vòm thành công là cột mốc để Bệnh viện Nhi Đồng 1 có những bước tiến mới. Ông Thượng hi vọng, bệnh viện tiếp tục phát triển thành một trung tâm điều trị hàng đầu, để mang lại chất lượng sống tốt nhất cho trẻ em.