Căn bệnh khiến 24.000 người Việt bị mù lòa: Rất nhiều người không biết bệnh

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thống kê cho thấy, Việt Nam có hơn 24.000 người bị mù lòa vì căn bệnh này. Đáng chú ý ở các nước phát triển, có đến 90% bệnh nhân không biết mình có bệnh và không đi khám.

Ngày 13/3, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, hưởng ứng tuần lễ Glôcôm thế giới, nơi đây sẽ tổ chức chương trình khám tầm soát, tư vấn miễn phí về bệnh glôcôm (glaucoma) cho 300 bệnh nhân vào ngày 17/3.

Glôcôm là bệnh lý thần kinh thị giác, đặc trưng bởi hình thái tổn thương của lớp sợi thần kinh và đĩa thị, khiến nhãn áp tăng cao làm mất dần sợi thần kinh võng mạc. Đây là nguyên nhân thứ hai dẫn đến chứng mất thị lực hoàn toàn (xếp sau đục thủy tinh thể).

Căn bệnh khiến 24.000 người Việt bị mù lòa: Rất nhiều người không biết bệnh - 1

Người dân đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM (Ảnh: BV).

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, số người từ 40-80 tuổi bị glaucoma trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu, được dự đoán tăng lên 111,8 triệu vào 2040. Trong đó, bệnh nhân người châu Á chiếm 47%. Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glôcôm không biết mình có bệnh và không đi khám. Con số này ở các nước đang phát triển có thể tăng tới 90%.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Mắt Trung ương, cả nước có hơn 380.000 người bị mù hai mắt. Trong đó, có hơn 24.000 người bị mù lòa do glôcôm. Bệnh thực sự là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh mang ý nghĩa thực tiễn rất cao trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Căn bệnh khiến 24.000 người Việt bị mù lòa: Rất nhiều người không biết bệnh - 2

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần tầm soát để phát hiện và điều trị sớm bệnh glôcôm (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Ngoài việc tổ chức khám và tư vấn, Bệnh viện Mắt TPHCM cũng vừa công bố nghiên cứu khoa học "Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr".

Nhóm nghiên cứu sử dụng tập dữ liệu về hình ảnh chụp màu gai thị DIARETDB1 được Bệnh viện Đại học Kuopio (Phần Lan) công bố. Khi khám, bệnh nhân sẽ được chụp hình màu gai thị. Từ đó bác sĩ sẽ dựa vào những đặc điểm tổn thương chuyên biệt trên ảnh để xác định khả năng bị glôcôm.

Với cùng tỷ lệ IoU (độ đo đánh giá các mô hình nhận diện thực thể) > 50%, EyeDr đạt độ nhận diện chính xác 97,75%.

EyeDr xây dựng được tập dữ liệu mang đặc điểm của người Việt Nam, phục vụ nhu cầu tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt, giúp các bác sĩ khám và điều trị sớm cho bệnh nhân trong và ngoài nước.

Thông tin chương trình tầm soát, tư vấn miễn phí cho 300 bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt TPHCM

Đối tượng: Người trên 40 tuổi hoặc gia đình đã có người mắc bệnh glôcôm.

Thời gian: từ 7h đến 11h30 ngày 17/3 tại Hội trường lầu 1, Bệnh viện Mắt TP.HCM (280 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3).

Bệnh nhân vui lòng đăng ký nhận số thứ tự khám qua số điện thoại 0858.035.043 trong giờ hành chính, từ ngày 13/3 đến ngày 16/3.