Căn bệnh đe dọa tính mạng 72.000 người Việt nếu không điều trị thay thế

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo các bác sĩ, ước tính có 72.000 người Việt mắc căn bệnh này bước vào giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận, nếu không sẽ dẫn đến tử vong.

Tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội bệnh mạch máu Việt Nam, vừa diễn ra ở TPHCM, nhóm báo cáo viên của Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ về kết quả điều trị bệnh lý hẹp, tắc tĩnh mạch trung tâm (HTTMTT) ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ qua thông nối động - tĩnh mạch tự thân.

Theo nhóm nghiên cứu, số người mắc suy thận mạn (STM) trên thế giới và trong nước đang ngày một gia tăng. Tại Việt Nam, với tỷ lệ mắc khoảng 900 người/1 triệu dân, ước tính có 72.000 bệnh nhân STM giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận suy.

Người bệnh sẽ tử vong nếu không được điều trị thay thế thận suy bằng 1 trong 3 phương pháp: chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.

Căn bệnh đe dọa tính mạng 72.000 người Việt nếu không điều trị thay thế - 1

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Để chạy thận lâu dài, bệnh nhân thường được phẫu thuật tạo thông nối động - tĩnh mạch (AVF). Đây là một trong những vấn đề sống còn đối với bệnh nhân STM giai đoạn cuối.

Hẹp tắc tĩnh mạch đường về của thông nối, trong đó có HTTMTT là vấn đề thường gặp nhất và là biến chứng nghiêm trọng ở người chạy thận nhân tạo định kỳ trên AVF tự thân. Tình trạng này làm giảm hiệu quả chạy thận và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

HTTMTT có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào. Trong đó, hẹp chỗ nối cung tĩnh mạch đầu - tĩnh mạch dưới đòn chiếm 38%, tĩnh mạch thân tay đầu chiếm 29%, tĩnh mạch dưới đòn chiếm 24% và tĩnh mạch chủ trên chiếm 9%.

Để điều trị, bệnh nhân cần được giải quyết các triệu chứng tăng huyết áp tĩnh mạch, đồng thời phải duy trì sự ổn định của việc chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Đinh Bảo, khoa Phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mặc dù phẫu thuật tái tạo TMTT có tỷ lệ lưu thông tốt (80%-90% sau một năm), nhưng tỷ lệ tử vong sau mổ lại cao (25% sau một năm), do vị trí của TMTT ở sâu trong lồng ngực và sức khỏe của bệnh nhân chạy thận nhân tạo kém.

Căn bệnh đe dọa tính mạng 72.000 người Việt nếu không điều trị thay thế - 2

Hình ảnh can thiệp nội mạch cho bệnh nhân chạy thận bị hẹp tắc tĩnh mạch trung tâm (Ảnh: Nhóm báo cáo viên).

Do đó, cần hướng đến việc điều trị nội mạch. Từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2022, có tổng cộng 42 bệnh nhân suy thận mạn đang chạy thận định kỳ, bị HTTMTT được điều trị can thiệp nội mạch tại khoa Phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Quá trình can thiệp, các triệu chứng lâm sàng thường gặp ở nhóm bệnh nhân trên là phù tay (100%), đau tay (59,5%), giãn tĩnh mạch nông ở vùng cổ, mặt cùng bên (hơn 40%).

Có 2 trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch, 3 trường hợp bị tụ máu vị trí đâm kim và 6 trường hợp thắt thông nối động - tĩnh mạch sau can thiệp thất bại.

Tất cả bệnh nhân đều có thể chạy thận định kỳ trở lại sau thủ thuật. Sau 6 tháng, có 6 trường hợp bị tái hẹp.

Nhóm nghiên cứu kết luận, can thiệp nội mạch điều trị HTTMTT trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo là phương pháp an toàn, hiệu quả, có tỷ lệ thành công về giải phẫu và lâm sàng cao, tỷ lệ biến chứng thấp, chỉ cần gây tê tại chỗ.

Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau khi tiến hành phương pháp này khá cao, nên cần phải theo dõi thường xuyên và can thiệp lại khi có chỉ định, để duy trì lưu thông dài hạn.

Các bác sĩ khuyến cáo, quan trọng nhất vẫn là việc phòng ngừa biến chứng. Tránh và giảm thiểu việc đặt ống thông TMTT có thể là điểm mấu chốt để phòng ngừa.

PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 2 của Hội quy tụ 160 báo cáo khoa học cơ bản và chuyên sâu, tập trung vào bệnh động mạch chủ, bệnh tĩnh mạch và bệnh động mạch ngoại vi (trong đó có 25 báo cáo quốc tế).

Trong hội nghị, các bác sĩ, chuyên gia đã tổng kết những thành tựu, tiến bộ, đồng thời cập nhật nhiều vấn đề mới về khó khăn, thách thức, đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý về mạch máu. Tổng cộng, có 124 báo cáo viên (bao gồm 16 báo cáo viên quốc tế) tham gia hội nghị này.