Quá tải chạy thận: Bệnh viện ở TPHCM "vật vã" mua dịch lọc thận theo tuần

Hoàng Lê

(Dân trí) - Công ty thầu dịch lọc thận giá rẻ nhất bất ngờ thay đổi, đẩy bệnh viện tại TPHCM vào cảnh phải mua nhỏ giọt theo tuần để có thể điều trị chạy thận nhân tạo, từ giờ cho đến tháng 8.

Chuyện oái oăm trên đang xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), khiến Ban Giám đốc lẫn các y bác sĩ khoa Thận nhân tạo của nơi này như ngồi trên đống lửa.

Điêu đứng vì... rớt thầu

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo của bệnh viện cho biết, nơi đây có 42 máy lọc thận nhưng phải đáp ứng gần 260 bệnh nhân điều trị chạy thận 3 lần/tuần. Do đó, nhu cầu về vật tư y tế liên quan đến việc chạy thận (như gạc, dây truyền, dịch lọc) của nơi này là rất lớn và không được phép đứt quãng.

Quá tải chạy thận: Bệnh viện ở TPHCM vật vã mua dịch lọc thận theo tuần - 1

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: CTV).

Theo bác sĩ Duy, trước đây bệnh viện dùng dịch lọc thận của công ty B. Braun Việt Nam. Đến năm 2020, một công ty dược trúng thầu gói vật tư dịch lọc thận của nơi này, vì đáp ứng điều kiện "giá thấp nhất" theo quy định.

Bệnh viện TP Thủ Đức sử dụng dịch lọc thận của đơn vị này trong khoảng thời gian 2020-2022. Tuy nhiên bước sang năm 2023, công ty trên bất ngờ bỏ thầu gói vật tư y tế, chuyển đăng ký dịch lọc sang gói thuốc và hóa chất. Lý do được giải thích cho bệnh viện là vì không tham gia đấu thầu. 

Quá tải chạy thận: Bệnh viện ở TPHCM vật vã mua dịch lọc thận theo tuần - 2

Mỗi ngày, có khoảng 150 lượt chạy thận tại Bệnh viện Tp Thủ Đức (Ảnh: CTV).

TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành, Bệnh viện TP Thủ Đức chia sẻ, vì bệnh viện đã xây dựng giá dự toán thầu "rẻ nhất" theo công ty trên, nên sau khi đơn vị này thay đổi bất ngờ, không đơn vị cung ứng nào khác đáp ứng đủ điều kiện khi đấu thầu rộng rãi. Nếu chờ gói thầu thuốc và hóa chất mới để có dịch lọc, đến tháng 8 mới hoàn thành.

Mua sắm theo tuần, bệnh viện lẫn bệnh nhân khốn khổ

Theo lãnh đạo Bệnh viện TP Thủ Đức, trước tình huống khó khăn trên, bệnh viện đang tiến hành xin Sở Y tế TPHCM được áp giá thầu dịch lọc thận của một cơ sở y tế khác trên địa bàn để tiến hành mua sắm. Tuy nhiên, thủ tục áp thầu cũng phải kéo dài 3-4 tháng mới có kết quả.

Do đó, nơi đây chỉ còn cách áp dụng hình thức "chỉ định thầu rút gọn". Tuy nhiên, mua sắm theo cách này chỉ được thực hiện trên chi phí không quá 100 triệu đồng/lần, đủ cho bệnh viện dùng trong… 1 tuần.

"Cho đến khi nào có kết quả áp thầu, chúng tôi phải mua các gói dịch lọc lẻ tẻ, vô cùng khó khăn" - bác sĩ Thanh nói.

Quá tải chạy thận: Bệnh viện ở TPHCM vật vã mua dịch lọc thận theo tuần - 3

Nhân viên y tế tại khoa Thận nhân tạo làm việc rất vất vả (Ảnh: CTV).

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Duy chia sẻ, không chỉ dịch lọc, gạc cầm máu cũng trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay. Hậu quả của việc mua sắm theo tuần, là việc nhân viên y tế bị động trong điều trị, còn bệnh nhân đối diện nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Bác sĩ Duy chia sẻ, có những tuần công ty cung ứng báo 8h sáng giao dịch nhưng đến chiều mới mang đến bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân lâm vào cảnh chờ đợi. Để giải quyết tình trạng này, khoa Thận nhân tạo phải cho bệnh nhân chạy thận bù sang ca 4, thậm chí ca 5, kéo dài đến hơn 0h sáng hôm sau. Bệnh nhân vật vờ điều trị, nhân viên y tế cũng mệt mỏi vì thường xuyên làm thêm giờ.

Quá tải chạy thận: Bệnh viện ở TPHCM vật vã mua dịch lọc thận theo tuần - 4

Bệnh viện TP Thủ Đức mong sớm thoát cảnh mua dịch lọc thận theo tuần (Ảnh: CTV).

"Khoa Thận nhân tạo có 38 nhân viên, bao gồm 11 bác sĩ. Ngoài ca làm hành chính và ca trực 24h, chúng tôi phải sắp xếp thêm một ca hỗ trợ (từ 15h hôm nay đến 0h ngày mai) mới có thể để đáp ứng việc điều trị đang quá tải. Mỗi lần chạy thận cho bệnh nhân, các điều dưỡng phải đứng liên tục nhiều giờ, rất cực.

Chúng tôi rất đau đáu, chờ đợi từng ngày, từng giờ để việc áp thầu hoàn thành, có dịch lọc đầy đủ cho bệnh nhân" - lãnh đạo khoa Thận nhân tạo chia sẻ mong muốn.

Trước đó, phóng viên Dân trí liên tục ghi nhận phản ánh của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM như Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Thống Nhất... về tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.

TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, nhiều bệnh viện thiếu cả trang thiết bị y tế lẫn nhân lực chạy thận. Có những kỹ thuật rất cơ bản, trước dịch Covid-19 vẫn làm bình thường mà giờ tuyến dưới phải chuyển đi tuyến trên.

"Mỗi ngày, có 5-6 bệnh nhân liên hệ để xin được vào chạy thận định kỳ, rất tội nghiệp nhưng chúng tôi bất lực, phải từ chối. Mỗi ca bệnh, chúng tôi phải xem xét rất cẩn thận, xem có cần cấp cứu hay không mới cho chuyển đi" - TS.BS Bách chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ của Hội Lọc máu Việt Nam, cả nước có khoảng 100.000 bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế. Tại 2 bệnh viện lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi tháng có 200 bệnh nhân mới bước vào chạy thận chu kỳ, khiến gánh nặng điều trị càng thêm nặng nề.