1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh đặc biệt nguy hiểm được WHO cảnh báo có triệu chứng như thế nào?

Nam Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây thông báo số ca nhiễm virus Marburg đang tăng ở một số quốc gia châu Phi. Thậm chí đã có những tín hiệu cho thấy virus đang có khả năng lây truyền rộng lớn hơn.

WHO kêu gọi giới chức các nước tăng cường biện pháp phòng tránh với bệnh Marburg. 

Theo đó, tại quốc gia châu Phi Guinea Xích đạo, 7 người đã tử vong trong đợt bùng phát của virus Marburg. Tuy nhiên, virus đã lan ra khỏi tỉnh Kie-Ntem - nơi đầu tiên ghi nhận các trường hợp thiệt mạng vì Marburg trong đợt bùng phát từ tháng 1. Thậm chí đã có những tín hiệu cho thấy virus đang có khả năng lây truyền rộng lớn hơn.

Kể từ khi dịch bùng phát từ Guinea Xích đạo, có 9 ca xác nhận đã nhiễm Marburg nhờ phân tích trong phòng thí nghiệm và 20 ca nghi nhiễm. Trong số 9 ca xác nhận nhiễm, 7 người đã thiệt mạng, trong khi 20 ca nghi nhiễm đều đã tử vong.

Căn bệnh đặc biệt nguy hiểm được WHO cảnh báo có triệu chứng như thế nào? - 1

Ổ dịch tự nhiên là loài dơi ăn quả (Ảnh: Clinmed).

Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ dịch tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus Marburg.

Thời gian ủ bệnh 2-21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. 

Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. 

Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh do virus Marburg gây ra rất khó chẩn đoán lâm sàng, biểu hiện lâm sàng rất dễ nhầm với các bệnh lưu hành tại vùng đó. Ví dụ như ở châu Phi, bệnh dễ nhầm với các bệnh hay gặp như Ebola, sốt vàng, thương hàn, sốt xuất huyết…

Khởi phát bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như sốt đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau người. Ngày thứ 5 có thể xuất hiện phát ban, cảm giác rát trên thân mình. Ngoài ra, còn kèm theo buồn nôn, đau ngực, đau bụng, đau họng, tiêu chảy, vàng mắt, có biểu hiện xuất huyết, mê sảng đi vào sốc và dẫn đến suy gan, suy đa tạng, rối loạn đông máu và có thể gây tử vong.

Điều đáng nói là cho dù áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Chung quan điểm bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết thêm, đặc điểm của virus này là khi nhiễm bệnh tỷ lệ tử vong khá cao, có thể lên đến 80%. Nó có 2 mặt. Thứ nhất, với người bị lây nhiễm thì cực kỳ nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong rất cao. 

Thứ 2, với cộng đồng vì bệnh không có nhóm triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng nên khó có thể lan rộng mạnh mẽ như bệnh có nhóm không có triệu chứng. 

Biểu hiện của bệnh do virus Marburg cũng giống như các sốt virus thông thường có sốt, đau đầu, buồn nôn tuy nhiên sau đó tiến triển nặng nhanh chóng, rối loạn đông máu, có thể suy đa phủ tạng, tử vong. Nguy cơ tử vong tương đối nhanh, tương tự như virus Ebola, có thể tử vong sau một vài ngày. 

Sự lây lan của virus giữa mọi người đã xảy ra trong môi trường gần gũi và giữa những người tiếp xúc trực tiếp. Phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm cũng có thể xảy ra khi nhân viên phòng thí nghiệm xử lý virus Marburg còn sống.

Dù vậy, toàn cầu hóa và du lịch quốc tế ngày càng tăng làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh ra toàn cầu. Thực tế đã có những trường hợp phát bệnh sau khi đi du lịch đến một hang động tại châu Phi.