Cảm giác nuốt vướng là dấu hiệu bệnh gì?
(Dân trí) - Nhiều người khi thấy biểu hiện nuốt vướng, nuốt khó thường chủ quan, tuy nhiên đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm.
Nuốt vướng là gì?
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết nuốt vướng là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy có vật gì trong cổ mắc lại/không trôi gây khó chịu. Thông thường, người bệnh có những triệu chứng như nuốt vướng thường xuyên hoặc tăng dần, nuốt vướng khi ăn uống, thậm chí có thể nghẹn và sặc...
Đó có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: ung thư vùng khoang miệng, họng miệng, hạ họng, hạ họng - thanh quản, ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp.
Nuốt vướng trong các bệnh lành tính thường có biểu hiện nuốt lúc vướng lúc không, ăn và uống không vướng. Trường hợp này có ba loại khó nuốt chung:
- Khó nuốt ở miệng (khó nuốt cao) - do yếu lưỡi sau đột quỵ, khó nhai thức ăn hoặc rối loạn quá trình vận chuyển thức ăn từ miệng.
- Chứng khó nuốt ở họng: vấn đề thần kinh ảnh hưởng đến các dây thần kinh (như bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc xơ cứng teo cơ bên), liệt hầu họng do tai biến mạch máu não.
- Chứng khó nuốt thực quản (khó nuốt thấp) - vấn đề là ở thực quản. Điều này thường là do tắc nghẽn hoặc kích thích.
Một số nguyên nhân gây nuốt vướng
- Xơ cứng bì bên - do thoái hóa thần kinh tiến triển, theo thời gian, các dây thần kinh ở cột sống và não dần mất chức năng.
- Cấu trúc bất thường thực quản: Vòng thực quản - một phần nhỏ của thực quản thu hẹp, đôi khi ngăn thức ăn rắn đi qua.
- Đột quỵ - tế bào não chết do thiếu oxy vì lưu lượng máu bị giảm. Nếu các tế bào não kiểm soát việc nuốt bị ảnh hưởng, nó có thể gây ra chứng khó nuốt.
- Viêm thực quản bạch cầu ái toan - nồng độ bạch cầu ái toan tăng cao dẫn đến nôn mửa và khó nuốt thức ăn.
- Bệnh đa xơ cứng - hệ thống thần kinh trung ương bị hệ thống miễn dịch tấn công, phá hủy myelin, thường bảo vệ các dây thần kinh.
- Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson: Bệnh Parkinson là một rối loạn thần kinh thoái hóa dần dần tiến triển, làm suy yếu các kỹ năng vận động của bệnh nhân.
- Xạ trị - một số bệnh nhân được xạ trị vùng cổ và đầu có thể gặp khó khăn khi nuốt.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Khô miệng - không có đủ nước bọt để giữ cho miệng ẩm ướt.
Ngoài ra, nuốt vướng có thể do loạn cảm họng, người bệnh có biểu hiện nuốt vướng mà không tìm ra nguyên nhân.
Lời khuyên khi điều trị nuốt vướng
Theo PGS Đào, tùy theo nguyên nhân trong từng trường hợp, bác sĩ khám sẽ quyết định hướng điều trị thích hợp. Nếu do các khối u, phương pháp lựa chọn có thể là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch trị liệu... tùy theo bản chất khối u.
Điều trị nội khoa theo nguyên nhân: điều trị trào ngược, giãn cơ trơn, hỗ trợ thần kinh hoặc an thần.
Người bệnh cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, ngủ gối cao đầu, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với thể trạng bệnh (ăn ít chất xơ, không ăn đồ chua cay hoặc lạnh, không ăn khuya). Đặc biệt, người bệnh không nên có tâm lý quá lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Khi có biểu hiện nuốt vướng, nuốt khó thường xuyên hoặc tăng dần nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.