Cải thiện chiều cao, vấn đề của người Việt

(Dân trí) -Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng cho rằng: “Việc cải thiện chiều cao cho trẻ em Việt Nam mới là vấn đề mà các nhà dinh dưỡng cần chú ý”.

Đây là điều rút ra từ kết quả của hai cuộc nghiên cứu do Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia (VDDQG) phối hợp cùng công ty Nestlé Việt Nam thực hiện.

 

Hai nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng được tiến hành trên 2.196 trẻ, có độ tuổi từ 2 tới 12 tuổi, kéo dài trong 6 tháng (từ tháng 12/2006 đến tháng 6/2007), tại Bắc Ninh, Hà Nội và TPHCM.

 

Cuộc nghiên cứu thứ nhất, được tiến hành trên 497 trẻ từ 2 đến 3 tuổi, tại tỉnh Bắc Ninh cho thấy, khi trẻ được uống sữa thường xuyên, sự thiếu hụt về Vitamin A, hay tình trạng thiếu máu, kẽm đều được cải thiện rõ rệt, dù chưa hoàn toàn thanh toán được vấn đề thiếu sắt và kẽm. Qua nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em Việt Nam cần phải uống sữa với khối lượng nhiều hơn và thường xuyên.

 

Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng VDDQG cho rằng: “Trẻ em VN cần tăng cường uống sữa, hiện mức tiêu thụ sữa ở trẻ em VN chỉ bằng 1/3 so với trẻ em các nước vùng Đông Nam Á. Ngoài ra cũng cần cho trẻ ăn các loại cá nhỏ (cả xương) để tăng cường canxi”.

 

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Lâm: “Dù VN được đánh giá là nước có tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em tốt nhất vùng Đông Nam Á. Nhưng để có thể làm tốt hơn việc phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ thì cần có nhiều cải thiện từ rất sớm, như ngay khi bà mẹ bắt đầu mang thai và kế hoạch này phải được thực hiện trên nhiều thế hệ kế tiếp nhau, như thế mới mong cải thiện được vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em VN”.

 

Nghiên cứu thứ hai thực hiện trên 1.699 trẻ em từ 6 đến 12 tuổi, tại 2 thành phố Hà Nội và TPHCM, cuộc nghiên cứu được phân thành 2 nhánh, trẻ sống trong thành phố và trẻ ở vùng quê.

 

Qua nghiên cứu cho thấy, trẻ thành phố ngày càng dễ bị thừa cân-béo phì do dinh dưỡng sai lầm lại thiếu các hoạt động thể lực như chơi các môn thể thao bóng bàn, đá banh, bơi lội…. Trong khi đó, ở vùng nông thôn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng có giảm nhưng khẩu phần dinh dưỡng thì còn thiếu.

 

“Học sinh cũng như người lớn, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, ít nhất từ 15 đến 20 loại trong ngày. Ngoài ra cần ăn nhiều rau quả, đặc biệt chú ý đến việc dùng cân đối giữa mỡ động vật với mỡ thực vật và cân đối việc dùng chất đạm thực vật với đạm động vật. Đặc biệt là tăng cường lối sống vận động”, ThS BS Nguyễn Lân, Phó khoa Dinh dưỡng học đường nhấn mạnh.

 

Ngọc Thanh