"Cái chết đen" gây ra 200 triệu ca tử vong và cách ứng phó bệnh nhiễm trùng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong suốt 2.000 năm, căn bệnh được mệnh danh là "cái chết đen" đã gây khoảng 200 triệu ca tử vong, làm giảm 30-60% dân số khu vực có dịch.

"Cái chết đen" gây ra 200 triệu ca tử vong

Tại Hội nghị Khoa học Quốc tế lần 1, chủ đề "Y tế thông minh, chiến lược phát triển y tế chuyên sâu trong hiện tại và tương lai" diễn ra ngày 10/8, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Truyền Nhiễm Việt Nam đã báo cáo đề tài "Gánh nặng bệnh nhiễm trùng: Hiện tại và tương lai".

Cái chết đen gây ra 200 triệu ca tử vong và cách ứng phó bệnh nhiễm trùng - 1

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo đó, bệnh nhiễm trùng khác biệt so với các bệnh không lây nhiễm, với nhiều đặc trưng như: có tác nhân gây bệnh; là sự tương tác giữa vi sinh - ký chủ - môi trường; có thể xảy ra trên người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh; có tính lây truyền.

Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm cũng có thể điều trị khỏi từ một tình trạng rất nặng và có thể phòng bệnh hiệu quả.

Báo cáo cho biết, bệnh truyền nhiễm đã tạo ra những đại dịch đe dọa con người từ thời xa xưa. "Trong suốt 2.000 năm, căn bệnh dịch hạch - được mệnh danh là "cái chết đen" - gây khoảng 200 triệu ca tử vong, làm giảm 30-60% dân số khu vực có dịch. Riêng trong thế kỷ 14, khoảng 10 triệu người đã tử vong do dịch hạch.

Đến giai đoạn 1918-1919, đại dịch cúm đã khiến khoảng 50 triệu người tử vong. Còn 20 năm trở lại đây, nhiều dịch bệnh cũng hoành hành toàn cầu. Trong đó, đại dịch lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại là Covid-19, gây ra hơn 698 triệu ca mắc bệnh, khiến gần 7 triệu người tử vong.

Cái chết đen gây ra 200 triệu ca tử vong và cách ứng phó bệnh nhiễm trùng - 2

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng mới chỉ được biết đến vào cuối thế kỷ 19, đó là vi sinh vật (do Louis Pasteur phát hiện). Từ đó, con người đã tìm kiếm nhiều cách để giải quyết tình trạng này. Và vũ khí "mới" của nhân loại được phát minh trong 100 năm trở lại đây là kháng sinh điều trị đặc hiệu một số bệnh nhiễm trùng.

Nhưng khi các loại kháng sinh được tạo ra, các dòng vi khuẩn kháng thuốc cũng liên tục xuất hiện, với cơ chế đột biến. Theo thời gian, số lượng kháng sinh mới được phát minh giảm dần, đi kèm với việc nhiều dịch bệnh mới nổi và tái nổi liên tục xuất hiện.

Cách ứng phó bệnh nhiễm trùng

Các chuyên gia dự báo, trong tương lai con người sẽ tiếp tục đối mặt với gánh nặng dịch bệnh, với trung bình 100 năm sẽ có một đại dịch, khoảng 10 năm xuất hiện những trận dịch nhỏ.

Nói cách khác, bệnh nhiễm trùng là thách thức bất tận vì tác nhân gây bệnh luôn tiến hóa. Luôn có một cuộc chiến không hồi kết giữa "biện pháp trị liệu thông minh" của con người và "biến đổi thích nghi" của vi sinh vật.

Do đó để ứng phó, ông Châu cho rằng cần có chiến lược tiếp cận bao quát trên nhiều "mặt trận" khác nhau, tiếp cận toàn diện, hệ thống. Nghiên cứu khoa học là biện pháp không thể thay thế để ứng phó lại các đợt bùng phát của các tác nhân mới, tái trỗi dậy.

Cái chết đen gây ra 200 triệu ca tử vong và cách ứng phó bệnh nhiễm trùng - 3

Nghiên cứu phát triển các tác nhân chống vi sinh vật là giải pháp đối phó với bệnh nhiễm trùng (Ảnh: BS).

Cụ thể, cần nghiên cứu sinh học hệ thống - là nghiên cứu sinh vật dưới góc nhìn của một hệ thống mạng lưới tương tác và tích hợp của các gene, protein và các phản ứng hóa sinh. Những năm trở lại đây, ứng dụng về hệ gene đã được con người tập trung nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam kết luận, có hai nhóm giải pháp đối phó với bệnh nhiễm trùng trong tương lai. Đó là củng cố lại hệ miễn dịch cơ thể và nghiên cứu phát triển các tác nhân chống vi sinh vật. Một trong những hướng mới là hy vọng tạo ra vaccine có thể bảo vệ nhiều tác nhân khác nhau.

Ông Châu cho rằng, trước những thách thức của bệnh nhiễm trùng, người dân không nên chủ quan và không được bi quan. Trên thang tiến hóa hàng tỷ năm, loài người chỉ mới xuất hiện trong 2-4 triệu năm. Do đó, con người phải biết cách cùng tồn tại và tiến hóa với thế giới sinh vật.

Ngày 10/8, Hội nghị Khoa học xơ vữa động mạch Việt Nam lần 2 đã diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa. Với chủ đề "Quản lý xơ vữa động mạch: Mở rộng chân trời trong kỷ nguyên hiện đại", với sự tham gia của hơn 800 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.

Giáo sư Trương Quang Bình, Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam cho biết, nội dung của hội nghị tập trung vào vai trò quản lý bệnh xơ vữa động mạch, trong bối cảnh bệnh lý này đang ngày càng trở nên phổ biến, là 70-80% nguyên nhân gây tử vong trên thế giới.

Bệnh cần được phòng ngừa và dự đoán sớm từ những nguy cơ về gene, chế độ ăn uống, sinh hoạt.

Việc Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội xơ vữa động mạch quốc tế là điều kiện để tiếp cận, trao đổi với những chuyên gia hàng đầu. Từ đó, có những nghiên cứu giúp ích cho chiến lược điều trị tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm