Chăm sóc sức khỏe người dân theo "y học hệ gene"
(Dân trí) - Theo lãnh đạo bệnh viện ở TPHCM, ngành y tế phải thảo luận cùng các nhà di truyền, các chuyên gia về gene học để lồng ghép y học hệ gene vào chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở.
Tại hội thảo "Kết hợp y học hệ gene vào chăm sóc sức khỏe ban đầu", diễn ra ngày 20/4, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, y học hệ gene đã mở ra một kỷ nguyên mới, vừa là thời cơ vừa là thách thức cho ngành y tế.
Ngay cả việc kiểm soát đại dịch bệnh Covid-19, nhờ các liệu pháp dựa trên gen đã giúp tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại các protein tăng đột biến của virus gây hội chứng hô hấp cấp.
Tính đến năm 2021, đã có 4.368 gene được ánh xạ tới các đột biến gây ra kiểu hình. Trong 1 nghiên cứu gần đây, cứ 13 người Việt Nam lại có 1 người lành mang gene bệnh Thalassemia (tỉ lệ 1/13). Với căn bệnh thiếu men G6PD, tỉ lệ là 1/36, vàng da ứ mật do thiếu men citrin có tỉ lệ 1/33 và Phenylketon niệu là 1/40...
Bác sĩ Thanh phân tích, khi những người lành mang cùng một gene bệnh kết hôn và sinh con, con của họ sẽ có 25% nguy cơ mắc bệnh. Điều đáng sợ là nguy cơ này có khả năng sẽ lặp lại ở mỗi lần sinh, khi khoảng 80% trẻ mắc bệnh lặn đơn gen được sinh ra bởi cha mẹ khỏe mạnh.
Do đó, hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành ở TPHCM được tổ chức, với mong muốn cùng nhau xây dựng chương trình hành động, ứng dụng hiệu quả các thành quả của y học hệ gene vào hoạt động khám chữa bệnh, giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong điều trị bệnh tật, với chi phí phù hợp nhất.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) chia sẻ, y học hệ gene làm cho y học trở nên cá thể hóa, chính xác và chủ động, giúp chẩn đoán bệnh sớm và chính xác hơn, điều trị hiệu quả hơn, ít phản ứng phụ hơn và mang giá trị tiên lượng, phòng ngừa…
Do đó, ngành y tế phải thảo luận cùng các nhà di truyền, các chuyên gia về gene học về việc triển khai y học hệ gene trong dịch vụ y tế, đặt vấn đề lồng ghép y học hệ gene vào chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở. Trong đó, phải đáp ứng 5 nguyên tắc: Công bằng; tăng cường, dự phòng và hồi phục sức khỏe; có sự tham gia của cộng đồng; sử dụng kỹ thuật thích hợp; phối hợp liên ngành.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức nhận định, để ngành y tế địa phương ứng dụng được các thành quả của y học hệ gene vào hoạt động khám chữa bệnh, phù hợp với thực tế, cần có lộ trình thực hiện rõ ràng, kế hoạch cụ thể, đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Song song đó, các bệnh viện và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật, khai thác tối ưu nguồn lực sẵn có để hòa nhập vào sự phát triển và các bước tiến mới của ngành y tế, với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Trong khuôn khổ hội thảo, Giám đốc các Bệnh viện TP Thủ Đức Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt cùng lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Thủ Đức đã ký biên bản ghi nhớ về việc phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân toàn khu vực.