1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải Nhân tài Đất Việt 2023 trong lĩnh vực Y dược:

Cách xử lý sụn sườn tự thân sáng tạo của bác sĩ Việt trong tạo hình mũi

Nam Phương

(Dân trí) - Thay vì sử dụng sụn sườn nguyên khối hoặc chẻ lát dễ cong vênh khi tạo hình sống mũi, các bác sĩ khoa Tạo hình Thẩm mỹ, BV Chợ Rẫy (HCM) tiến hành dập mềm sụn sườn sau đó cắt mịn để tạo hình sống mũi.

Khắc phục biến chứng cong vênh khi sử dụng sụn sườn tự thân trong tạo hình mũi 

PGS.TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) khi nói về kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn. 

Tối 20/12, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 với chủ đề "Tôn vinh tài năng - Khơi nguồn sáng tạo".

Năm nay Giải Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực y dược không có giải Nhất. 

Công trình Tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn (sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn) của PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng và ThS.BS Lê Hoàng Vĩnh, Bệnh viện Chợ Rẫy (HCM) đạt giải Nhì Giải Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y Dược.

Cách xử lý sụn sườn tự thân sáng tạo của bác sĩ Việt trong tạo hình mũi - 1

Nhóm tác giả Bệnh viện Chợ Rẫy đạt giải Nhì Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y Dược (Ảnh: Thành Đông).

Phẫu thuật tạo hình mũi được thực hiện ngày càng nhiều do chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu làm đẹp và hoàn thiện của con người ngày càng nhiều. Nhiều người mong muốn sửa lại mũi do mũi thấp, dị tật bẩm sinh, chấn thương hoặc sửa lại mũi trước đó đã phẫu thuật nhưng chưa hài lòng... 

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng như các vật liệu để có kết quả an toàn và hiệu quả nhất là một trong những thách thức và khó khăn cho các phẫu thuật viên. 

Vật liệu có thể dùng trong tạo hình mũi bao gồm vật liệu nhân tạo và vật liệu tự thân. Gần đây, vật liệu tự thân ngày càng có xu hướng được nhiều tác giả lựa chọn sử dụng để hạn chế các biến chứng của vật liệu nhân tạo. 

Trong các loại vật liệu tự thân này sụn vành tai, vách ngăn thường được sử dụng làm đầu mũi và phải kết hợp với sụn nhân tạo làm sống mũi; cân mạc, trung bì dùng để làm sống mũi nhưng tỷ lệ teo nhỏ hấp thu theo thời gian lên tới 40%. 

Sụn sườn là vật liệu tự thân với số lượng nhiều có thể được sử dụng làm đầu mũi, sống mũi. Nó được nhiều phẫu thuật viên nổi tiếng trên thế giới lựa chọn, đặc biệt với mũi biến chứng co rút biến dạng phải mổ lại, mũi bị chấn thương, dị tật bẩm sinh.

Cách xử lý sụn sườn tự thân sáng tạo của bác sĩ Việt trong tạo hình mũi - 2

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Trần Quang Dũng, đại diện tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trao giải cho các tác giả đạt giải lĩnh vực Y Dược (Ảnh: Thành Đông).

Tuy nhiên, sụn sườn nguyên khối hoặc chẻ lát có nhược điểm dễ cong vênh khi tạo hình sống mũi. 

Trong thực tế, một cái cây nếu còn tươi thì sẽ vẫn giữ được dáng vẻ như vậy, nhưng một khi đã cong, đổ xuống thì một gian nó sẽ bị biến dạng cong đi. Xuất phát từ thực tế quan sát, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng nhận thấy, trong chế biến gỗ người ta làm gỗ thành bột giấy để làm bàn, ghế…

"Lúc đó tôi nghĩ tại sao mình không làm mềm sụn sườn để thay đổi cấu trúc của nó sau đó đưa vào cơ thể, nẹp bên ngoài và trong để giữ dáng mũi đẹp", PGS Hùng nói. 

Khởi nguồn từ sự quan sát đó, tháng 6/2017, lần đầu tiên tại Việt Nam, khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) áp dụng kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn, trong đó sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn đã được áp dụng. 

Việc dập mềm và cắt mịn sụn sườn một cách sáng tạo đã giúp cho quá trình sử dụng sụn sườn trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn, khắc phục được nhược điểm cong vênh. Đồng thời, mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân đặc biệt với những trường hợp mũi chỉnh sửa lại, mũi chấn thương, mũi dị tật bẩm sinh.

Theo PGS Hùng, vật liệu nhân tạo có lợi điểm là không bị hấp thu, số lượng nhiều nhưng nhược điểm lớn nhất là nhiễm trùng muộn và vật liệu bị đào thải theo thời gian. 

Cách xử lý sụn sườn tự thân sáng tạo của bác sĩ Việt trong tạo hình mũi - 3

PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) (Ảnh: B.S).

Ngược lại, với vật liệu tự thân, cơ thể thích nghi được, tránh được nhiễm trùng. Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam thường có da dày và nhờn nên hay bị mụn. Nếu tạo hình mũi bằng vật liệu nhân tạo, việc nặn mụn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

Đặc biệt với những trường hợp bị biến chứng trước do lần phẫu thuật trước đó hay bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, với kỹ thuật trên bác sĩ có thể tạo hình lại mũi cho bệnh nhân mà không cần chờ. 

"Trước đây, những trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, bác sĩ sẽ phải lấy vật liệu nhân tạo ra sau đó đợi cả năm mới làm lại mũi được. Điều này có thể khiến bệnh nhân mặc cảm, tự ti. Với kỹ thuật trên, chúng tôi có thể tạo hình được ngay cả khi mũi đang bị nhiễm trùng, viêm tấy. 

Trên nền tổn thương lớn, sẹo, vùng mũi bị nhiễm trùng, viêm tấy, thậm chí thủng cả mũi, nếu dùng vật liệu nhân tạo thì gần như chắc chắn thất bại (nhiễm trùng lại, thủng mũi tiếp…). Kỹ thuật này cũng phù hợp làm cho cả những trường hợp bị dị tật mũi", PGS Hùng chia sẻ. 

Những con số biết nói 

Từ tháng 6/2017 đến tháng 7/2022, khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) áp dụng kỹ thuật trên cho 259 trường hợp, trong đó 57 bệnh nhân nam và 202 bệnh nhân nữ, tuổi nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 58 tuổi. 

Trong đó, gần một nửa từng phẫu thuật mũi 1 lần, hơn 7% phẫu thuật mũi từ 2 lần trở lên và khoảng 43% mới phẫu thuật mũi lần đầu. 56% bệnh nhân phẫu thuật để sửa lại mũi đã phẫu thuật trước đó, hơn 15% do dị tật bẩm sinh, 15% do chấn thương và 13% mũi thấp bẩm sinh. 

Các bệnh nhân có sự thay đổi đáng kể các chỉ số nhân trắc mũi và 100% bệnh nhân giữ được chức năng thông khí bình thường của mũi. Không ghi nhận biến chứng sớm và biến chứng xa của phẫu thuật. Không có bệnh nhân nào không hài lòng với kết quả phẫu thuật và không có trường hợp nào tiêu sụn sau 1 năm. 

Kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn (sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn) là phương pháp sử dụng sụn sườn sáng tạo. Nó góp phần giải quyết được nhiều trường hợp bệnh lý mà trước đây không thực hiện được hoặc sau mổ sẽ có nhiều biến chứng. 

Kỹ thuật này mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân, đặc biệt với những trường hợp mũi chỉnh sửa lại, bị chấn thương, dị tật bẩm sinh. Nó khắc phục được các khiếm khuyết trong các trường hợp mũi biến dạng do mổ nhiều lần, tai nạn hoặc dị tật bẩm sinh.

Đồng thời giảm bớt những gánh nặng về tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

"Việc tạo hình mũi bằng sụn sườn thế giới vẫn làm, tuy nhiên họ lấy nguyên khối sau một thời gian sụn sẽ bị cong vênh. Để tránh biến chứng này, chúng tôi tiến hành dập mềm, cắt mịn sụn sườn sau đó mới đưa vào cơ thể để tạo hình sống mũi", PGS Hùng nói. 

Với 35 năm kinh nghiệm trong nghề, trong gần 7 năm, bản thân ông đã thực hiện được hàng nghìn ca tạo hình thẩm mỹ mũi bằng kỹ thuật này, cho hiệu quả tốt, tránh được tình trạng cong vênh. 

Để lấy sụn sườn, bệnh nhân sẽ được gây mê. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, PGS Hùng nhấn mạnh: "Việc lấy sụn sườn phải được thực hiện tại các bệnh viện có khoa thẩm mỹ tạo hình. Bác sĩ được đào tạo, huấn luyện, đi học kỹ thuật lấy sụn sườn như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả tránh các biến chứng có thể xảy ra".

Trong tương lai, các tác giả sẽ tiếp tục phát triển kỹ thuật để ngày càng tốt hơn, đặc biệt là trong điều trị các biến chứng, dị tật bẩm sinh. 

Năm nay Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Y Dược không có giải Nhất.

Giải Nhì: Công trình "Thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn (sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn).

Giải Ba: Công trình "Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson".

Giải Triển vọng: Công trình "Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan".