1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách xử lý đúng nhất khi trẻ 2 – 3 tiếng lại sốt cao một lần

(Dân trí) - Trẻ sốt cao, tái sốt nhanh khi chưa đủ thời gian uống thuốc hạ sốt khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Trước câu hỏi “ làm thế nào khi trẻ 2 – 3 tiếng lại sốt cao 39 độ” của một độc giả, nhiều bạn đọc đã bày cách hạ sốt hiệu quả. Chuyên gia về nhi khoa cũng hướng dẫn chi tiết để xử lý tốt nhất khi con bị sốt.

Kết hợp thuốc có nên không?

Bạn đọc Diệp Bách chia sẻ, những lần con sốt cao với thời gian giữa hai lần sốt ngắn thực sự là kinh hoàng, khiến bố mẹ phải nhau thức trắng đêm để trông. Theo bạn Diệp Bách, kinh nghiệm dùng hai loại thuốc như của bạn Nguyễn Khắc Anh sẽ giảm được sự căng thẳng của bố mẹ khi con tái sốt liên tục. Theo đó, có thể sử dụng paracetamol kết hợp ibuprofen. Tuy nhiên loại này tuyệt đối cấm uống nếu bị sốt xuất huyết. Một số bạn đọc đồng tình với ý kiến này, nhưng có bạn lại cho rằng không nên phối hợp 2 loại hạ sốt vì có nguy cơ tăng tích lũy thuốc và gây loét dạ dày.


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách hạ sốt đúng nhất: Dùng paracetamol + uống nhiều nước + phòng thoáng gió, mặc ít quần áo. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách hạ sốt đúng nhất: Dùng paracetamol + uống nhiều nước + phòng thoáng gió, mặc ít quần áo. Ảnh: H.Hải

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, thuốc với hoạt chất là ibuprofen cũng có tác dụng hạ sốt, nhưng đó không phải là nhóm thuốc ưu tiên dùng cho trẻ em.

Vì thế ông khuyến cáo không tùy tiện dùng thuốc kết hợp để hạ sốt nhanh cho con. “Việc phối hợp thuốc rất nguy hiểm, nhất là trên một đứa trẻ bị sốt vì nhiễm trùng. Bởi những trẻ khi đã uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng và chườm ấm, uống nhiều nước mà vẫn tái sốt cao nhanh thì trẻ nên đến viện khám để được xác định nguy cơ”, TS Dũng nói.

Hơn nữa loại thuốc này chống chỉ định với bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH), trong khi đó những ngày đầu của SXH rất khó nhận biết, nếu dùng sẽ có nguy cơ gây chảy máu cao hơn ở bệnh nhân SXH.

Loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15/kg cân nặng từ 4 - 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên.

Khi dùng thuốc đúng liều, các mẹ cũng cần phải kiên nhẫn vì cái gì cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần 1 tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần.

Chườm nước ấm?

Đây là cách được nhiều bạn đọc chia sẻ là kinh nghiệm để hạ sốt. Bạn Diệp Bách, Nguyễn Khắc Anh, mẹ Đậu Rán… đều chia sẻ kinh nghiệm dùng khăn xô, ngâm vào nước ấm khoảng 35 độ, vắt nhẹ rồi chườm cho con. Tuyệt đối không được sử dụng nước đá chườm.

“Nếu sốt cao quá, uống thuốc chưa kịp hạ thì có thể pha nước ấm sao cho nước trong chậu tấm làm 38 độ C. Cho cháu bé vào tắm. Để cháu ngồi vào chậu tắm, ngâm sao cho nước ngập lên vai nhé. Chỉ ngâm khoảng 1 phút rồi nhanh chóng lau khô, mặc quần áo. Cách này hạ sốt rất nhanh áp dụng khi khẩn cấp tránh bị co giật. Bé có thể run lạnh khi lau khô một chút nhưng không sao đâu”, bạn Diệp Bách chia sẻ.

TS Dũng cho biết, tuy chườm ấm được các bà mẹ tin tưởng sẽ giúp hạ sốt cho trẻ, nhưng thực tế các biện pháp vật lý hầu như không có tác dụng giảm sốt.

Các bà mẹ làm điều này nếu thấy bớt lo lắng có thể chườm cho trẻ, bởi nó mang lại giá trị tinh thần hơn là thực tế. Cách cách khác gồm cả tắm ấm, lau cồn y tế, chườm lạnh đều không được khuyến khích.

Uống nhiều nước, ưu tiên oresol

Khi trẻ bị sốt cao, việc uống nhiều nước, gồm nước lọc, nước trái cây, nước oresol hỗ trợ rất tốt cho việc hạ sốt. Hãy cho trẻ uống liên tục, uống từng tí một sẽ giúp thẩm thấu oresol được tốt hơn. Đừng đợi đến khi trẻ bắt đầu sốt trở lại mới uống nước mà hãy luôn nhắc nhở trẻ uống từng tí một.

Khi trẻ sốt cao nên mặc ít đồ, phòng thoáng đãng. Tuyệt đối không đắp chăn, ủ ấm cho trẻ vì khi sốt cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh nhưng thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, lên đến 40 - 41 độ C, lúc này càng đắp chăn càng lạnh.

Khi dùng thuốc hạ sốt, uống nước nhiều, trẻ tái sốt nhưng thời gian tái sốt dần kéo giãn thì cha mẹ có thể yên tâm theo dõi tiếp. Còn nếu trẻ mệt, li bì nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán đúng nguyên nhân.

Hồng Hải