Cách ly với người xung quanh như thế khi đang uống iod phóng xạ?
Mẹ tôi năm nay 61 tuổi, uống nước phóng xạ và đang trong giai đoạn điều trị tới này là 11 ngày. Hiện mẹ tôi bị đau nhức có thể uống thuốc trị đau nhức không? Có thể sử dụng điện thoại không?
Và khi một bệnh nhân tiếp xúc với người không bị bệnh khoảng cách 2 mét và đựợc tiếp xúc và nói chuyện là bao lâu? Xin cho tôi lời khuyên (Trần Kim Ý)
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương: Chào bạn. Có thể câu hỏi bạn đang hỏi là về ung thư tuyến giáp giai đoạn đang điều trị iod phóng xạ. Nếu đúng như vậy trong thông tin bạn cần cung cấp thêm về bệnh của mẹ bạn, đã phẫu thuật như thế nào, điều trị iod lần đầu tiên hay lần thứ mấy, và liều điều trị là bao nhiêu.
Với một người bệnh uống iod phóng xạ trong điều trị bệnh ung thư tuyến giáp thể biệt hóa gây nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cho người khác, nguy cơ cao nhất là trong 24-48 giờ đầu tiên. Ít nhất trong 24h đầu tiên, người bệnh cần đứng cách xa ít nhất 1,8m với người xung quanh.
Thông thường ở các trung tâm điều trị bệnh nhân thường được cách ly tại phòng riêng trong một khoảng thời gian nhất định trước khi được trở về nhà và ra cộng đồng. Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt liều iod phóng xạ người bệnh nhận điều trị.
Ví dụ, một người bệnh nhận liều điều trị 200mCi cần tránh nằm cùng giường với một người lớn trong 4 ngày và lên đến 3 tuần nếu là phụ nữ mang thai, trẻ em.
Vì vậy, bạn nên tư vấn bác sĩ điều trị của mình để biết có thể sử dụng thuốc gì trong quá trình đang điều trị cũng như cách ly với người xung quanh như thế nào để đảm bảo an toàn cho bản thân người bệnh, gia đình cũng như xã hội.
Theo Sức khỏe và đời sống