Thấy tức nặng vùng cổ, ngỡ ngàng phát hiện ung thư tuyến giáp di căn
(Dân trí) - ThS.BS Nguyễn Thái Hoàng – Khoa điều trị kỹ thuật cao, BV Nội tiết Trung ương cho biết, do chủ quan, rất nhiều người bị ung thư tuyến giáp di căn. Trung bình mỗi tháng, tại khoa thường tiếp nhận 25 đến 30 ca ung thư tuyến giáp trong đó nhiều ca di căn xâm lấn bao ngoài tuyến giáp.
Biểu hiện mơ hồ
Bệnh nhân Lê T.H. (63 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng khó chịu, tức nặng vùng cổ, xuất hiện khối u ở cổ kích thước khoảng 2x1cm cứng chắc, di động, ấn không đau, vùng cổ bên trái xuất hiện nhiều hạch kích thước từ 3-4cm.
Sau khi được tiến hành các xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp, chọc tế bào kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch, phải phẫu thuật. Ca phẫu thuật cho bệnh nhân, các bác sĩ đã lấy được 8/16 hạch di căn.
Ths.BS Nguyễn Thái Hoàng cho biết, các ca ung thư tuyến giáp như bệnh nhân H. không phải là hiếm gặp. Ngược lại, số bệnh nhân bị ung thư di căn tuyến giáp rất phổ biến. Hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng bị ung thư tuyến giáp xâm lấn.
Trong khi đó, ung thư tuyến giáp là căn bệnh ác tính phổ biến nhất chiếm 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết.
“Bình thường, với ung thư tuyến giáp nếu phát hiện sớm, việc điều trị thường mang lại hiệu quả, tiên lượng tốt. Còn khi đã ở giai đoạn di căn sẽ rất nhiều khó khăn trong điều trị. Tuy nhiên loại ung thư này thường không có các dấu hiệu rõ ràng do vậy tiềm ẩn di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao”, BS Hoàng cho biết.
Vì thế, BS Hoàng khuyến cáo, khi được chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp, bệnh nhân không được chủ quan mà cần phải tái khám định kỳ, kể cả u tuyến giáp lành tính.
Việc tái khám định kỳ khi đã phát hiện bệnh lý tuyến giáp bướu nhân giúp bác sĩ theo dõi sát tình trạng bệnh nhân để kịp thời phát hiện sớm sự biến đổi về hình thái học của tuyến giáp, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm, chụp cắt lớp để có những đánh giá chính xác hơn, kết hợp với chọc tế bào tuyến giáp để đưa ra chỉ định phẫu thuật kịp thời ngay ở giai đoạn sớm.
“Tốt nhất bệnh nhân bị tuyến giáp bướu nhân nên tái khám 6 tháng/lần. Bởi như đã nói, hầu hết các ca ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng”, BS Hoàng nói.
Còn khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như: khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng hay phát hiện khối u ở cổ thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm.
Phát hiện sớm giảm biến chứng
BS Hoàng cho biết thêm, các ca di căn, việc điều trị vừa tốn kém, lại vừa giảm hiệu quả. Trong thực tế điều trị, nhiều ca ung thư tuyến giáp đã xâm lấn ra thực quản, khí quản, động tĩnh mạch cảnh khiến cho quá trình phẫu thuật bóc tách khối u di căn trở nên vô cùng phức tạp và nguy hiểm cho bệnh nhân. Một số trường hợp khối u xâm lấn không có khả năng cắt bỏ hoàn toàn dẫn đến hiệu quả điều trị sau phẫu thuật thấp, khả năng tái phát cao.
Trong khi đó, việc phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm vô cùng quan trọng vì nó không chỉ giúp gia tăng tỷ lệ chữa khỏi mà còn hạn chế di chứng, biến chứng của các phương thức điều trị (phẫu thuật, xạ trị).
Vì thế, BS Hoàng nhấn mạnh việc tái khám định kỳ ở người có bệnh lý tuyến giáp. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh lý này mỗi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo, tăng cường vận động để giúp cơ thể chuyển hóa tốt.
Hồng Hải