Cách bảo vệ da khỏi loại ung thư hay gặp nhất

Ung thư tế bào đáy là loại ung thư da hay gặp nhất, chiếm khoảng 75% các loại ung thư da. Đây là loại u ác tính gồm những tế bào giống với tế bào ở lớp đáy của thượng bì.

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm ca ung thư da mỗi năm và con số này có xu hướng tăng lên qua các năm.

Đặc biệt, ung thư tế bào đáy khá phổ biến, thường bắt đầu là u kích thước từ 1 đến vài cm, tiến triển chậm, không ngứa, không đau nên người dân thường không để ý đến. Tuy nhiên, chúng có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ.

Nguyên nhân của ung thư tế bào đáy do:

- Ánh nắng mặt trời: Tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời được cho là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ra ung thư tế bào đáy. Theo đó, những người làm việc ngoài trời có tỉ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào đáy rất cao, và khoảng 80% các thương tổn ung thư biểu mô tế bào đáy ở vùng da hở.

- Biến đổi về gen: Các nghiên cứu cho thấy khả năng bị ung thư da cao hơn do những biến đổi về gen

6 triệu chứng thường gặp

- Tổn thương u: thường bắt đầu là u kích thước từ 1 đến vài cm, mật độ chắc, bóng, trên có giãn mạch. Thương tổn không ngứa, không đau, tiến triển chậm có thể có loét

- Tổn thương xơ hóa: thường gặp ở vùng mũi hoặc trán, biểu hiện là thương tổn bằng phẳng với mặt da, đôi khi thành sẹo lõm, thâm nhiễm, trên có các mạch máu giãn, giới hạn không rõ ràng với da lành.

- Tổn thương nông dạng Paget: thường gặp ở thân mình. Thương tổn bằng phẳng với mặt da, giới hạn rõ, trên có vảy, tiến triển chậm.

- Tổn thương loét: tất các các loại tổn thương trên đây có thể loét lâu lành trên có vảy tiết đen hoặc tổ chức hoại tử.

- Tăng sắc tố: hiện tượng tăng sắc tố rất thường gặp trong các tổn thương ung thư tế bào đáy. Thường có màu nâu đen rất dễ nhầm với hiện tượng tăng sắc tố trong ung thư tế bào hắc tố.

- Hạch vùng có thể to, xâm nhiễm ít hoặc không di động.

Cách bảo vệ da khỏi loại ung thư hay gặp nhất - 1

Nguyên tắc điều trị hàng đầu

Nguyên tắc hàng đầu của việc điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy là loại bỏ triệt để tổ chức ung thư. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại, vị trí và kích thước của khối u ung thư, do đó cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Một số phương pháp thường được lựa chọn gồm: phẫu thuật, đốt điện, xạ trị, nitơ lỏng...

Sau khi điều trị cần theo dõi sát sao nhằm phát hiện sự tái phát (nếu có) hoặc phát hiện tổn thương ung thư mới.

Phòng bệnh thế nào?

Theo các bác sĩ, cách phòng bệnh tốt nhất đó là bảo vệ da khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời bằng cách:

- Mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành đi ra ngoài trời.

- Bôi kem chống nắng thường xuyên và đúng cách, nhất là vùng da mặt vì đây là khu vực tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.

- Hạn chế tiếp xúc lâu với ánh nắng, đặc biệt là trẻ em.

- Ngoài ra cần thăm khám ngay với bác sĩ nếu phát hiện tổn thương trên da có nổi u, cục nhìn như "nốt ruồi"; hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian

Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cắt bỏ rộng tổn thương thì ung thư tế bào đáy được tiên lượng rất tốt.

Chớ để da bị "cháy nắng" vì có thể dẫn đến ung thư da

BS. Đặng Bích Diệp - Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, khi bị "cháy nắng", bệnh nhân thường có cảm giác vô cùng đau rát, châm chích ở vùng da tổn thương. Điều này không chỉ gây ra sự bất tiện trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề sức khỏe, thẩm mỹ.

Đáng lo là vùng da bị "cháy nắng" có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Đặc biệt, tiếp xúc kéo dài với tia UV, theo nhiều nghiên cứu, có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư da.

Do đó, khi da bị "cháy nắng", bệnh nhân nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam… lên vùng da tổn thương. Lưu ý, không chà mạnh lên vùng da này bởi da đang nhạy cảm, có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương thêm trầm trọng. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.

Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm