Nhiễm độc thạch tín gây ung thư da từ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Nhiều bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín nhưng không hay biết. Nguyên nhân theo các bác sĩ có thể do độc tố tích tụ nhiều năm từ nguồn nước, thuốc điều trị hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết thời gian qua, tại đây tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc Arsenic (còn gọi là thạch tín).
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tại đây đang điều trị cho một bệnh nhân nam, ở Hà Nội có dấu hiệu nhiễm độc thạch tín mạn tính với dấu hiệu khởi phát là các điểm dày sừng lòng bàn tay bàn chân, kích thước nhỏ từ một hoặc vài mm, sờ vào lòng bàn tay bàn chân thấy sần sùi, thô ráp...
Theo bác sĩ Quang, qua khai thác tiền sử trường hợp bệnh nhân này cũng cho thấy, bệnh nhân có sử dụng thuốc đông y từ cách đây 20 năm để chữa bệnh hen phế quản. Với các trường hợp ngộ độc thạch tín, nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ tiến triển thành ung thư.
Đặc điểm đáng chú ý của nhiễm độc thạch tính mạn tính là tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà người dân không hề hay biết. Biểu hiện thường gặp của nhiễm độc thạch tín trên cơ thể là biểu hiện dày sừng từng điểm lòng bàn tay bàn chân, tình trạng "hạt mưa trên cát" được mô tả là những chấm giảm sắc tố nhỏ trên nền tăng sắc tố (hay gặp ở vùng lưng) và tổn thương ung thư tế bào gai. "Thạch tín là một kim loại rất độc, kim loại này cũng được dùng để điều trị bệnh, tuy nhiên chỉ dùng với một liều lượng nhỏ"- bác sĩ Quang nói.
Hình ảnh dày sừng từng điểm lòng bàn tay (ảnh trái) và "hạt mưa trên cát" - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết thêm để điều trị nhiễm độc thạch tín, bệnh nhân sẽ được đánh giá rất kĩ toàn bộ các tổn thương nghi ngờ ung thư bằng thiết bị soi da hoặc sinh thiết. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp như: Dùng thuốc, quang động học hoặc phẫu thuật.
Theo các bác sĩ, thạch tín có tác dụng làm trắng nên có thể xuất hiện trong các sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da. Ngoài ra, nó có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm mắt như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi…. Vì thế khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp, hãy chú ý kỹ tới nguồn gốc và nơi sản xuất. Nếu có các dấu hiệu nốt sần nhỏ trên da, sờ thô ráp... người dân nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất để tránh tiến triển thành khối ung thư da.
Ngoài ra, nếu mắc các bệnh lý mạn tính như: Vảy nến, hen phế quản… người dân tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể trong thuốc đó có thạch tín.