Các bước khám sàng lọc ung thư tuyến giáp

Hà An

(Dân trí) - Ung thư tuyến giáp là một trong 5 loại ung thư có tỷ lệ điều trị khỏi cao nhất nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Vậy khám sàng lọc tuyến giáp gồm nhưng bước gìì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể.

Ung thư tuyến giáp có thể gặp ở cả nam và nữ từ 25 tuổi trở lên, tuy nhiên nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn. Ung thư tuyến giáp thuộc nhóm bệnh ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân thường đi khám vì thấy khối u ở cổ.

Các bước khám sàng lọc ung thư tuyến giáp - 1

Các bước khám sàng lọc ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương:

- Khám sàng lọc lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa.

- Xét nghiệm hormon tuyến giáp: Đo nồng độ TSH, FT3 và FT4, xét nghiệm này được thực hiện để đánh giá chức năng tuyến giáp.

- Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm giúp phát hiện các nhân giáp, xác nhận kích thước bướu tuyến giáp, đánh giá cấu trúc tuyến giáp, cung cấp chi tiết liên quan đến đặc điểm khối u.

- Thực hiện sinh thiết tuyến giáp: Sinh thiết gần như chỉ được thực hiện khi bác sĩ phát hiện u tuyến giáp có nhân sau bước siêu âm.

Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp có một số dấu hiệu chính gồm:

- Khối u ở cổ.

- Bị khàn giọng.

- Xuất hiện u giáp trạng: u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.

- Xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.

Triệu chứng muộn hơn có thể là:

- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.

- Khàn tiếng, có thể khó thở. 

- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép.

- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị quan trọng bậc nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định trên người bệnh tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thể giải phẫu bệnh lý và một số yếu tố nguy cơ khác. Một số cách thức phẫu thuật bao gồm cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp vét hạch cổ, cắt tuyến giáp gần toàn bộ, cắt một thùy tuyến giáp và eo giáp...

Điều trị iod phóng xạ 

Đây là phương pháp giúp tiêu diệt nốt những tế bào tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, được chỉ định dựa trên kích thước u, mức độ xâm lấn, tình trạng di căn hạch, nồng độ các chất chỉ điểm ung thư tuyến giáp sau mổ...

Liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp

Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ, bệnh nhân sẽ cần được bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp, được sử dụng phổ biến nhất là levothyroxine. Một bộ phận trong số các bệnh nhân cắt một thùy tuyến giáp cũng cần bổ sung hormone này, chiếm tỉ lệ khoảng 20%.

Xạ trị ngoài và hóa trị 

Hai phương pháp này có hiệu quả không cao trong điều trị phần lớn ung thư tuyến giáp. Hóa trị có thể được chỉ định khi bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bệnh ở giai đoạn di căn xa, hoặc trên các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.

Tiên lượng của bệnh

Tiên lượng của ung thư tuyến giáp là rất tốt, đặc biệt là ở những bệnh nhân dưới 45 tuổi và có u kích thước nhỏ.

Thông thường, thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân trong vòng 10 năm là 100%, tỷ lệ chết do bệnh ung thư tuyến giáp là rất thấp.

Theo bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đối với bệnh nhân trên 45 tuổi, u kích thước lớn và xâm lấn thì tiên lượng của ung thư tuyến giáp vẫn khá tốt tuy nhiên tỷ lệ tái phát ở nhóm này cũng khá cao. Tiên lượng thường không tốt đối với bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn và điều trị I-131 bổ trợ. Tuy vậy, bệnh nhân có thể sống trong thời gian dài mặc dù vẫn có tâm lý nặng nề là người mang bệnh ung thư. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm