Các bệnh ung thư thường gặp ở thanh thiếu niên

Tuổi thanh thiếu niên tràn đầy sức khỏe và sinh lực sống, người ta vẫn thường nói “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”.

Thế nhưng lứa tuổi này cũng là giai đoạn cơ thể phát triển thần tốc để từ một đứa trẻ thành người trưởng thành. Trong quá trình phát triển, cơ thể có nhiều thay đổi và có thể mắc những bệnh không thể ngờ tới, trong đó có ung thư.

Nguyên nhân gây ung thư ở thanh thiếu niên

Phần lớn ca ung thư ở tuổi trẻ cũng như ở người lớn, có chung một đặc điểm, đó là liên quan đến tế bào. Ung thư xảy ra khi tế bào phát triển bất thường, tăng sinh vô độ và tạo thành khối u ác tính. Đối với ung thư ở người lớn, đột biến này là do các tác nhân bên ngoài như khói thuốc lá, sợi thủy tinh amiăng (dùng cách âm, cách nhiệt) và tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, tác nhân gây ung thư ở thanh thiếu niên rất khó xác định, một phần do ung thư không phổ biến ở lứa tuổi trẻ, một phần là vì rất khó kết luận bệnh nhân trẻ tuổi ung thư đã tiếp xúc với những tác nhân nào.

Các bệnh ung thư thường gặp ở thanh thiếu niên - 1

Tuổi thanh thiếu niên có nhiều thay đổi về cơ thể và có thể mắc ung thư.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiễm phóng xạ có thể làm tổn thương ADN dẫn đến ung thư máu và các loại ung thư khác ở thanh thiếu niên. Nạn nhân phơi nhiễm từ rò rỉ phóng xạ hoặc nổ nhà máy điện hạt nhân, cả người lớn lẫn trẻ em, đều có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp tăng cao.

Khoảng 5% các ca ung thư của trẻ là do đột biến di truyền từ cha mẹ.

Dấu hiệu ung thư ở thanh thiếu niên

Các biểu hiện của bệnh ung thư ở vị thành niên có thể dễ quan sát như: Giảm cân không rõ nguyên nhân; Đau xương khớp khi chơi trò chơi hoặc tham gia các hoạt động khác; Nôn kèm theo đau đầu, thường vào buổi sáng; Bụng trướng to; Xuất hiện các đốm nhỏ đỏ ở các mạch máu, nhìn như vỡ mao mạch máu; Xuất hiện các đốm tím trên da (bệnh liên quan máu); Độ sáng trắng ở võng mạc khi tiếp xúc với ánh sáng; Mệt mỏi liên tục, thiếu máu; Sốt liên tục không rõ nguyên nhân; Nhiễm trùng thường xuyên, cho thấy miễn dịch thấp.

Các ung thư thường gặp ở thanh thiếu niên

Ung thư máu - bệnh máu trắng

Bệnh máu trắng là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở thanh thiếu niên, xảy ra khi số lượng tế bào bạch huyết tăng bất thường, xâm lấn tủy xương và đôi khi xâm nhập cả vào máu. Do những tế bào bạch huyết này có khiếm khuyết nên chúng không thể bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn như bình thường. Hơn nữa, do tăng sinh vô độ nên chúng xâm chiếm tủy xương và ngăn cản hoạt động sản xuất những tế bào quan trọng khác trong máu.

Bệnh máu trắng gây chảy máu, thiếu máu, đau xương và nhiễm trùng. Nó cũng có thể lan tới các tổ chức khác như: hạch bạch huyết, gan, não, lá lách và tinh hoàn ở nam giới.

Những dạng ung thư máu thường xảy ra ở thanh thiếu niên là ung thư bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp (ALL) và ung thư bạch cầu nguyên bào tủy cấp (AML). Cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao với một số dạng ung thư máu. Phần lớn bệnh nhân ALL và AML được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi bệnh hoàn toàn và không bao giờ tái phát.

U lympho (ung thư hạch)

Đây là dạng ung thư phát triển trong hệ bạch huyết, bao gồm các hạch bạch huyết, tuyến ức, lá lách, vòm họng, amidan và tủy xương. Hệ này có chức năng chống khuẩn gây nhiễm trùng và bệnh tật. U lympho bắt đầu trong các tế bào nhất định của hệ thống miễn dịch gọi là tế bào lympho. Ung thư hạch gồm 2 loại u lympho Hodgkin (dạng ung thư của mô bạch huyết) và không Hodgkin (dạng ung thư của các tế bào trong hệ miễn dịch), cả hai loại này đều có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Dấu hiệu cảnh báo: giảm cân, sốt, đổ mồ hôi, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết dưới da cổ, nách, háng.

Dạng u lympho không Hodgkin (NHL) gần giống như bệnh máu trắng ALL, bởi vì chúng đều liên quan đến các tế bào bạch huyết và có nhiều triệu chứng giống nhau. NHL thường được điều trị bằng hóa trị.

Các bệnh ung thư thường gặp ở thanh thiếu niên - 2

U xương ác tính.

U xương ác tính (Sarcoma xương)

Đây là dạng ung thư xương phổ biến nhất ở nam thiếu niên, thường xuất hiện trong giai đoạn dậy thì. Nam bị u xương ác tính nhiều gấp đôi nữ và thường thấy ở những người có chiều cao vượt trội. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do gen hoặc là hậu quả của một dạng ung thư khác, ví dụ như retinoblastoma - u phát triển trong võng mạc có thể là tiền đề của bệnh u xương ác tính. Những thiếu niên được xạ trị để chữa loại ung thư khác thì nhiều khả năng sẽ bị u xương ác tính.

Những triệu chứng phổ biến nhất của u xương ác tính là đau và sưng ở một cánh tay hoặc cẳng chân, đôi khi đi kèm u bướu. Một số người bị đau về đêm hoặc khi tập thể dục. U xương ác tính thường xuất hiện ở các xương quanh đầu gối. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khối u có thể di căn từ xương tới các dây thần kinh và mạch máu ở chi.

U não và các khối u tủy sống

Người trẻ tuổi có nhiều khả năng phát triển các khối u ở phần trên của bộ não. Khối u tủy sống ít phổ biến hơn. Các khối u não có thể gây đau đầu, buồn nôn, nôn, mờ mắt hoặc nhìn đôi, chóng mặt, co giật, đi bộ khó khăn,...

Có hai dạng u não: u não sơ cấp (bắt đầu từ những tế bào trong não) và u não thứ cấp (đến từ một dạng ung thư khởi phát từ một phần khác của cơ thể và lan tới não). Phần lớn u não thường gặp ở thanh thiếu niên là dạng sơ cấp. Hai trong số nhiều dạng phổ biến là astrocytomas (u não bắt nguồn từ những tế bào não tên là astrocyte, dạng này không di căn ra khỏi não và tủy sống, không ảnh hưởng các tổ chức khác) và ependymomas (bắt nguồn từ niêm mạc trong não thất).

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam. Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp là có một khối u ở mặt trước của cổ, đau hoặc sưng ở cổ, khó thở hoặc nuốt và thay đổi giọng nói.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tỉ lệ sống sót của các bệnh ung thư ở thanh thiếu niên được cải thiện trong những năm gần đây. Nhìn chung, hơn 80% trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư có thể sống ít nhất thêm 5 năm sau chẩn đoán.

Tiên lượng cho các bệnh ung thư ở người trẻ tuổi thường tốt hơn người lớn tuổi ở cùng một giai đoạn bệnh. Việc phát hiện sớm là điều vô cùng quan trọng, giúp tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Vì vậy, khi thấy con có những dấu hiệu bệnh, cha mẹ cần đưa đi khám để được điều trị sớm.

BS. Lê Anh
Theo Sức khỏe và đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm