Các bác sĩ “nâng cấp” hệ miễn dịch để điều trị ung thư máu như thế nào?

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát triển một liệu pháp miễn dịch mới có tên CAR T-cell, với mục tiêu tăng cường khả năng nhận diện ung thư của hệ miễn dịch, từ đó chủ động tiêu diệt loại tế bào ác tính này.

Ung thư máu là hiện tượng các tế bào máu phát triển và phân chia mất kiểm soát, làm rối loạn chức năng bình thường của tế bào máu như chống lại các tác nhân xâm hại hay sản sinh tế bào máu mới. Khác với nhiều loại ung thư thường gặp, ung thư máu không hình thành các khối u thể rắn. Thay vào đó, các tế bào ác tính sẽ phát tán khắp các mạch máu, hạch bạch huyết hay tủy xương.Có 3 loại ung thư máu chính là: Bệnh bạch cầu, u lympho, đa u tủy.

Các bác sĩ “nâng cấp” hệ miễn dịch để điều trị ung thư máu như thế nào? - 1

Các biện pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư máu hiện nay là hóa trị, xạ trị và cấy ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, vì mỗi phương pháp đều tồn tại những mặt hạn chế nhất định, nên các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm các cách tiếp cận mới để điều trị loại ung thư không hình thành khối u này.

Một trong những phương pháp điều trị ung thư máu mới, được kì vọng nhất hiện nay là “CAR T-cell”. Khác với hóa trị hay xạ trị là sử dụng các tác nhân bên ngoài như hóa chất hay tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư, “CAR T-cell” về bản chất là một liệu pháp miễn dịch, sẽ dựa vào chính khả năng miễn dịch của cơ thể để điều trị bệnh.

Vì sao hệ miễn dịch có thể tiêu diệt mầm bệnh nhưng lại không tấn công ung thư

Hệ miễn dịch là một cỗ máy sinh học mạnh mẽ được tạo nên bởi nhiều cơ quan và tế bào chuyên biệt giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm hại và bệnh tật.

Trong số các “vệ binh” của cơ thể, tế bào T có nhiệm vụ săn tìm và tiêu diệt các tế bào bất bình thường, trong đó có cả tế bào ung thư. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nhiệm vụ tìm, diệt này là cả một quá trình hết sức phức tạp, cụ thể:

Các bác sĩ “nâng cấp” hệ miễn dịch để điều trị ung thư máu như thế nào? - 2

Trên bề mặt tế bào T có các thụ thể với hình dạng như những sợi râu. Chúng có khả năng gắn kết vào các loại protein được tìm thấy trên bề mặt của tất cả các tế bào, được gọi là kháng nguyên. Trong trường hợp thụ thể của tế bào T gắn kết vào một kháng nguyên bất thường, tế bào T sẽ được cảnh báo và chuyển sang trạng thái tấn công. Lúc này, tế bào T sẽ tiết các chất độc tế bào để tiêu diệt tế bào bất thường vừa phát hiện. Cùng với đó, nó sẽ liên tục phát đi tín hiệu để gọi các tế bào T khác cùng đến để tấn công “kẻ lạ mặt”.

Tuy nhiên, nếu ung thư dễ bị tiêu diệt đến như vậy, thì nó đã không trở thành căn bệnh mà suốt hơn 100 năm qua con người vẫn chưa thể chiến thắng hoàn toàn.

Các bác sĩ “nâng cấp” hệ miễn dịch để điều trị ung thư máu như thế nào? - 3

Một trong những thứ vũ khí nguy hiểm nhất của tế bào ung thư chính là khả năng “đánh lừa” hệ miễn dịch. Để làm được điều này, tế bào ung thư sẽ tạo ra các loại kháng nguyên bất thường, ngăn không cho thụ thể của tế bào T gắn kết vào hoặc khiến thụ thể nghĩ rằng chúng là tế bào khỏe mạnh, điều này đồng nghĩa với việc tế bào T sẽ không tiêu diệt tế bào ung thư, và cho phép tế bào ác tính này thoải mái tăng sinh trong cơ thể của chúng ta.

CAR T-cell: Nâng cấp cho tế bào miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư

Để khắc phục điều này, các nhà khoa học đã phát triển một liệu pháp miễn dịch mới có tên CAR T-cell, với mục tiêu tăng cường khả năng nhận diện của hệ miễn dịch. CAR T-cell là liệu pháp chuyên dành để điều trị các loại ung thư máu như bệnh bạch cầu cấp, u lympho, đa u tủy.

Trong khi các liệu pháp miễn dịch truyền thống thường sẽ gắn các loại thuốc điều trị ung thư lên tế bào T của bệnh nhân, khiến chúng có thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, thì CAR T-cell dựa hoàn toàn vào chính tế bào T của người bệnh.

Cụ thể, với phương pháp này, trước hết máu của bệnh nhân sau khi được rút ra bên ngoài qua tĩnh mạch sẽ được chạy qua máy tách tế bào, với nhiệm vụ giữ tế bào T ở lại. Máu sau khi phân tách sẽ được trả về cơ thể bệnh nhân.

Các bác sĩ “nâng cấp” hệ miễn dịch để điều trị ung thư máu như thế nào? - 4

Tiếp theo, tế bào T vừa được phân tách sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để biến đổi gen, bằng cách thêm vào một loại kháng thể đặc biệt có tên là “CAR”, để biến chúng thành các “tế bào T CAR”. Tế bào T CAR tiếp đó sẽ được nhân lên thành hàng triệu bản sao, trước khi được truyền trở lại cơ thể bệnh nhân.

Dưới sự hỗ trợ của thụ thể CAR, các tế bào T chỉnh sửa gen đã có thể gắn kết vào các thụ thể đặc biệt của tế bào ung thư, nhận diện, và tiêu diệt chúng, điều mà tế bào T bình thường không thể làm được.

Các bác sĩ “nâng cấp” hệ miễn dịch để điều trị ung thư máu như thế nào? - 5

Các số liệu bước đầu về liệu pháp đặc biệt này đã cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn của nó trong điều trị ung thư máu.

Minh Nhật

Theo HCA Healthcare UK, Cancer

Dòng sự kiện: Ung thư máu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm