TPHCM:

Cá ngừ độc là do chứa histamin tự do

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng: người tiêu dùng có thể bị dị ứng khi ăn cá ngừ. Nguyên nhân có thể xuất phát từ trong quá trình chế biến hay trong thịt cá có chứa sẵn histamin tự do.

Lượng cá ngừ bán ra giảm 30%

 

Cá ngừ độc là do chứa histamin tự do - 1

Nhiều hàng vắng bóng cá ngừ

Những ngày này, tại các chợ đầu mối Bình Điền, chợ Bà Chiểu, Gò vấp, Tân Bình…, Ban quản lý của các chợ liên tục phát những thông tin hướng dẫn các hộ kinh doanh hạn chế bán loại cá ngừ đang nghi ngờ là nguyên nhân gây độc. Nếu có mua bán, phải ghi rõ nguồn gốc đầu vào và địa chỉ người mua. Những thông tin này khiến cả người mua lẫn người bán đều không khỏi bất an.

 

Theo chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương tại chợ Gò Vấp cho biết: “Mọi khi người mua cá này về kho và nấu canh nhiều, mỗi ngày tôi có thể bán ra vài chục kg, nhưng sau khi có thông tin ngộ độc liên quan đến cá ngừ, lượng người mua giảm hẳn. Hiện cá ngừ được bày bán rất ít”.

 

Theo một tiểu thương bán cá tại chợ Bình Điền: “Dù chưa có kết luận chính thức cá ngừ có phải là nguyên nhân của các vụ ngộ độc không. Nhưng sau khi cơ quan chức năng khuyến cáo, phương tiện truyền thông đưa tin làm nhiều người không dám lấy hàng cá ngừ nữa. Hiện sức mua tại chợ đã giảm 30% so với trước đây. Giá chợ bán ra của cá ngừ hiện giảm từ 4.000 - 5.000đồng mỗi kg.

 

Chị Hoàng Thu Thủy, trú tại đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) cho hay: Mọi khi vẫn hay mua cá ngừ về nấu canh cho cả nhà. Cá ngừ có nhiều thịt, ít xương nên các con chị thích ăn. Nhưng sau khi có khuyến cáo thì không dám mua nữa, khi nào cơ quan chức năng trả lời cụ thể thì mới dám dùng trở lại.

 

Đa số các tiểu thương kinh doanh cá ngừ tại chợ Bình Điền đều khẳng định: Hằng ngày ban quản lý chợ vẫn kiểm tra chất lượng trước khi bán ra, vì thế cá ngừ tại đây đều đáp ứng yêu cầu về VSATTP.  Không có chuyện cá ngừ có vấn đề được đem ra bán.

 

Cá ngừ ươn, nguy cơ ngộ độc cao

 

Về thực phẩm cá ngừ trong ăn uống, theo kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý ATVSTP, Sở Y tế TPHCM, cho rằng: Do mỗi suất ăn của công nhân chỉ có 8.000 đồng/suất nên không loại trừ khả năng các nhà bếp tập thể mua cá ngừ không tươi vì giá rẻ để chế biến. Nhưng loại cá ngừ bị ươn theo ông Hòa có độc tố Histamin rất cao.

 

Với loại cá ngừ ươn ông Hòa cho hay: nếu cá không được bảo quản đúng kỹ thuật, chỉ cần vài giờ không được giữ lạnh, độc tố trong cá sẽ tăng rất nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đối với loại thực phẩm cá ngừ, Sở Y tế không cấm chế biến làm món ăn nhưng phải dùng cá tươi, được mua tại những nơi có đủ điều kiện VSATTP.

 

Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng: người tiêu dùng có thể bị dị ứng khi ăn cá ngừ, nguyên nhân có thể xuất phát từ trong quá trình chế biến hay trong thịt cá có chứa sẵn histamin tự do. Chính vì thế nêu các nhà bếp tập thể không tuân thủ các quy định về ATVSTP được cơ quan chức năng đề ra thì rất dễ gây ra ngộ độc tập thể cho người dân”.

 

Theo một đầu bếp nấu ăn tại nhà hàng quận 1 cho biết: Đối với loại cá ngừ vẫn xảy ra hiện tượng dị ứng. Đặc biệt nếu không biết rất dễ mua phải loại cá ngừ có vệt sọc xanh chạy dài dưới lườn có khả năng gây độc. Vì thế khi chọn loại cá này người mua cần biết chọn cá còn tươi, giữ màu xám đặc trưng để không bị dị ứng khi ăn.

 

Chính những nguyên nhân trên nên hiện nay dù chưa có kết luận chính thức của 4 vụ ngộ độc tập thể vừa qua, Sở Y tế đã gửi công văn khẩn đến Sở Giáo dục - Đào tạo, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, UBND các quận, huyện…  khuyến cáo không nên sử dụng cá ngừ để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm cho mỗi người dân.

 

Hoài Lương