Cà Mau: Phát hoảng với những sai phạm của người dân trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Vẫn còn xảy ra tình trạng hộ dân bán lợn con đi nơi khác khi đã phát hiện lợn mẹ có dấu hiệu bị bệnh; vứt xác lợn chết xuống sông, rạch; mổ thịt lợn chết để bán, chở đi nơi khác... Hàng loạt sai phạm về phòng chống dịch tả lợn châu Phi vừa được UBND tỉnh Cà Mau chỉ ra.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra cho thấy công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến còn tình trạng vứt xác lợn chết xuống sông, mổ thịt lợn chết để bán,… Chủ tịch tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương.

Trước đó, vào các ngày 27 và 28/5, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện 2 đàn lợn (heo), với số lượng 25 con của 2 hộ dân tại xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân) và xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) bị bệnh, chết.

Kết quả xét nghiệm mẫu lợn trên dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn và tiêu độc, khử trùng vào ngày 30/5.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu xã Phú Mỹ và xã Tân Ân Tây tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh đã qua, báo cáo về UBND tỉnh.

Cà Mau: Phát hoảng với những sai phạm của người dân trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi - 1

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có tỉnh Cà Mau, với việc tiêu hủy hàng ngàn con lợn.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua kiểm tra thực tế cho thấy việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tại một số nơi chưa chặt chẽ và đầy đủ theo quy định.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cam kết chưa đều khắp và việc thực hiện cam kết về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa nghiêm túc.

Do đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng hộ dân bán lợn con đi nơi khác khi đã phát hiện lợn mẹ có dấu hiệu bị bệnh; vứt xác lợn chết xuống sông, rạch; mổ thịt lợn chết để bán, chở đi nơi khác (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển); khi có bệnh dịch xảy ra, tổng đàn lợn dự báo tăng gấp đôi so với tổng điều tra trước đó (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân); cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ không đúng quy định vẫn còn hoạt động (thị trấn Đầm Dơi và các xã: Thanh Tùng, Nguyễn Huân, Tân Tiến của huyện Đầm Dơi); chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện khi đi ra, vào cơ sở giết mổ tập trung;…

Thực tế nêu trên cho thấy cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở một số nơi lãnh đạo, chỉ đạo chưa tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cà Mau: Phát hoảng với những sai phạm của người dân trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi - 2

Một hố tiêu độc, sát trùng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Cà Mau. (Ảnh: CTV)

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phải đến từng cơ sở, hộ gia đình; tiếp tục thống kê bổ sung hộ chăn nuôi, tổng đàn lợn và kết quả này sẽ là cơ sở để ngành chức năng giám sát việc thực hiện an toàn dịch bệnh, chứng nhận nguồn gốc cho việc mua bán, vận chuyển lợn, xem xét để hỗ trợ khi có dịch bệnh.

“Vì vậy, Chủ tịch cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh; Chủ tịch cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch cấp huyện về kết quả tuyên truyền, điều tra, thống kê”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau quán triệt rõ.

Yêu cầu tất cả các phương tiện (xe tải, xe ô tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ,...) có và không có vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đều phải qua hố tiêu độc, sát trùng hoặc phun xịt sát trùng khi đi qua các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh.

Các địa phương phải kiểm tra hàng ngày đối với cơ sở mua bán, phân phối thịt lợn trên địa bàn để kịp thời xử lý đối với các trường hợp mua bán thịt không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch,…

Chủ tịch tỉnh cũng đồng ý hỗ trợ đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác với mức 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch. Yêu cầu Sở Nông nghiệp khẩn trương xác định tiêu chí về lợn con (ngày tuổi, trọng lượng,…) để công bố cho các tổ chức, cá nhân biết, áp dụng.

Đối với tin nhắn tuyên truyền trên điện thoại di động, Chủ tịch tỉnh thống nhất điều chỉnh tần suất nhắn tin cho phù hợp; thay đổi địa chỉ báo tin đến Chi cục Chăn nuôi - Thú y, thành báo tin đến chính quyền địa phương nơi gần nhất khi phát hiện lợn bị bệnh, nghi có bệnh.

Yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, các địa phương, đơn vị, cán bộ có liên quan phải thường xuyên theo dõi cập nhật ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh trên zalo "BCĐ PHÒNG, CHỐNG DỊCH TLCP" để kịp thời triển khai thực hiện.

“Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp dưới phải chịu trách nhiệm với cấp trên; Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong phòng, chống dịch bệnh này”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Huỳnh Hải