1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ca mắc ung thư phổi trẻ nhất 15 tuổi tử vong sau 2 năm điều trị

(Dân trí) - PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trung bình một năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 24 nghìn ca mắc mới ung thư phổi và có đến hơn 20 nghìn ca tử vong. Số mắc mới - tử vong gần như tương đương bởi đây là căn bệnh phổ biến nhưng khó phát hiện sớm. 2/3 bệnh nhân ung thư phổi đến viện điều trị khi đã ở giai đoạn muộn.

Hầu hết ung thư phổi đều liên quan đến thuốc lá

Bên lề hội nghị ung thư Việt - Pháp diễn ra ngày 7/11 tại BV K, PGS Quảng cho biết trước đây, ung thư phổi thường đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư nam giới. Nhưng năm 2018, ung thư phổi xếp hàng thứ 2 sau ung thư gan do số ca mắc ung thư gan gia tăng.

Dù hiện nay có rất nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi, nhưng do phát hiện muộn, tỉ lệ tử vong ung thư phổi vẫn rất cao, gần như số mắc, tử vong tương đương. Trung bình mỗi năm Việt Nam có 24 nghìn ca mắc ung thư phổi có đến 21 nghìn ca tử vong.

PGS Quảng cho biết, để phát hiện sớm ung thư phổi vẫn còn nhiều khó khăn. Nghiên cứu trước đây của Mỹ đưa ra nhiều phương pháp, trong đó có chụp X quang và xét nghiệm đờm, tuy nhiên tất cả phương pháp đó đều không hiệu quả.

Mấy năm gần đây người ta đưa ra phương pháp sàng lọc bằng chụp CT liều thấp, tuy nhiên hiệu quả cũng chưa được chứng minh rõ ràng, đó là khó khăn trong sàng lọc ung thư phổi.

"Bởi ung thư phổi tiến triển nhanh, giữa hai lần chụp X-quang cách nhau 6 tháng khối u đã tiến triển rất khác. Do vậy việc phát hiện sớm rất khó khăn dù là bệnh hay gặp. Ước tính 2/3 số bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại BV K đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, với c ác triệu chứng rất rõ ràng như đau ngực, ho, khó thở... và không thể can thiệp được phương pháp điều trị sớm là phẫu thuật mà chỉ có thể xạ trị, hóa chất, điều trị miễn dịch.

PGS Quảng thông tin thêm, lứa tuổi mắc ung thư phổi thường ở độ tuổi ngoài 50, tuy nhiên cũng có một số trường hợp mắc trẻ, ca mắc trẻ nhất mà ông biết là thiếu niên 15 tuổi mắc ung thư phổi 3 năm trước và đã tử vong sau 2 năm điều trị. Bệnh nhi thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động do trong gia đình có người hút thuốc. Một ca khác là nam giới 25 tuổi đang điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội.

PGS Quảng khẳng định gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút thuốc trực tiếp, nhưng họ lại chịu tác động của khói thuốc thụ động.

PGS Quảng khuyến cáo, từ lứa tuổi ngoài 50, 6 tháng - 1 năm cần tầm soát ung thư phổi một lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn,

Nhiều tiến bộ trong điều trị

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, ung thư phổi là ung thư đứng hàng thứ 2 ở nam giới. Ngày nay, có rất nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư phổi. Như với phẫu thuật nay đã có thể phẫu thuật nội soi chữa ung thư. Trong điều trị nội khoa, hóa chất có nhiều phác đồ mới ra đời, mang lại kết quả khả quan, đặc biệt là điều trị đích, điều trị miễn dịch. Có những bệnh nhân dù giai đoạn muộn nhưng dùng phương pháp điều trị đích, đột biến gen cũng kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, có những bệnh nhân sống 5 – 6 năm.

Tại hội thảo ung thư Việt - Pháp lần 2, tất cả những tiến bộ trong điều trị ung thư đều được cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm giữa chuyên gia ung bướu hai nước.

Ca mắc ung thư phổi trẻ nhất 15 tuổi tử vong sau 2 năm điều trị - 1

"Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và hơn 20.170 ca tử vong do căn bệnh này. Vì thế, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi là vấn đề hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung", GS Thuấn nói.

Vì thế, hội thảo ung thư Việt - Pháp là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật kiến thức về dự phòng các yếu tố nguy cơ ung thư phổi, chẩn đoán cũng như các liệu pháp điều trị tiên tiến hiện nay cho ung thư phổi giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Hội thảo sẽ đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về việc kiểm soát bệnh, mục tiêu quan trọng nhất là định hướng đường lối và chiến lược phòng chống Ung thư phổi tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Nhất là tại Việt Nam, phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Vì thế, việc hợp tác quốc tế, chuyên gia Việt Nam cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ung thư của nước bạn Pháp cùng bàn luận để có được một bức tranh đầy đủ hơn về công tác kiểm soát ung thư phổi.

Hội thảo Ung thư Việt – Pháp lần thứ 02 sẽ diễn ra trong 03 ngày 07 – 09/11/2018. Trong đó bao gồm các nội dung: Công bố Hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng và ung thư phổi tại Việt Nam; cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, chiến lược sàng lọc, phân loại giai đoạn bệnh, chẩn đoán mô bệnh học, các tiến bộ trong phẫu thuật và trong xạ trị, các liệu pháp hóa trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, đánh giá đáp ứng khối u, ung thư lão khoa…

Hồng Hải