1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cả làng chữa vô sinh bằng thuốc nam: Chuyên gia nói gì?

Nắm bắt được nhu cầu “khát con” của những gia đình hiếm muộn, hơn 70 cơ sở tại An Thái, An Mỹ, Bình Lục, Hà Nam đều quảng cáo chữa được vô sinh khiến nhiều người tìm đến.

Tại làng An Thái có hàng chục tấm biển quảng cáo treo san sát dòng chữ “cơ sở chuyên chữa vô sinh”.
Tại làng An Thái có hàng chục tấm biển quảng cáo treo san sát dòng chữ “cơ sở chuyên chữa vô sinh”.

Nhan nhản biển hiệu chữa vô sinh

Tại làng An Thái có hàng chục tấm biển quảng cáo treo san sát dòng chữ “cơ sở chuyên chữa vô sinh”.

Vừa thấy chúng tôi dò hỏi đường vào làng, một “cò chữa vô sinh” nhanh nhảu: “Đi chữa vô sinh à. Vào đây, tôi đưa vào nhà lang y chữa vô sinh giỏi nhất ở đây. Không chỉ dân ở đây, những người điều trị hiếm muộn các nơi đều biết đến”.

Người mà cò này nói đến là lương Y H.. Ngay đầu nhà là biển hiệu quảng cáo chữa vô sinh rất lớn. Nhà bà H. 3 tầng, khang trang, rộng rãi. Tiếp chúng tôi là ông Trần T., con trai bà H. Ông T. cho biết, bà H. là mẹ ông, đã mất cách đây ít lâu. Bây giờ, việc điều trị vô sinh do vợ chồng ông đảm nhận.

Ông T. cho biết, cơ sở chữa bệnh của gia đình ông có lịch sử vài trăm năm và được truyền đến đời vợ chồng ông. Bệnh nhân đến điều trị ở đây phải đến ở nhà thầy thuốc sinh sống, điều trị. Việc điều trị cho các bệnh nhân có khi phải kéo dài vài tháng, thậm chí cả năm mới có thể thu được kết quả.

Theo ông T., bài thuốc chữa vô sinh của gia đình rất nhiều vị, được tán thành viên để uống. Nói rồi, ông đưa cho chúng tôi xem một gói thuốc có tên là “thuốc bổ chung” với giá 200.000 đồng. Thành phần của loại thuốc này gồm: Hoàng kỳ, bạch truật, sài hồi, sa sâm, đỗ trọng, cam thảo,… Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên.

Ông cũng cho biết, đa phần những người đến đây điều trị đều có thai. Như để minh chứng cho lời mình nói, ông Túy đưa chúng tôi xem một cuốn sổ, được cho là của những bệnh nhân đã có con sau khi điều trị tại đây đến cảm ơn và viết vài dòng lưu lại.

Cũng có mặt tại nhà bà Đỗ Thị Th (80 tuổi), hành nghề chữa vô sinh. Tiếp chúng tôi, bà T. nói: “Có rất nhiều đến đây chữa bệnh bởi tay nghề bà không nhất cũng nhì trong làng. “Tôi chữa cho những nhà có 3 đời bị vô sinh. Từ bà bị vô sinh, đến con rồi cháu đều đến đây chữa bệnh”.

Theo bà, bệnh nhân phải điều trị tại gia đình với chi phí khoảng 300.000 đồng/người/ngày. Việc ở lại gia đình giúp bà theo dõi được tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Trường hợp là nam giới sẽ được mang thuốc về nhà uống và đến kiểm tra định kỳ. Nói rồi bà chỉ xuống căn nhà cấp 4, cho biết có một số bệnh nhân đang điều trị ở đó.

Bà Hoàng Thị Phương, thư ký Hội Đông y của thôn An Thái cho biết, trong làng có 72 người hành nghề bốc thuốc chữa bệnh vô sinh. Trong đó, gần 40 cơ sở có giấy phép hành nghề. Còn lại là làm chui, hoặc mượn danh tiếng của ông bà, người thân để hành nghề.

Không nên tin theo?

Tại nhà bà Th, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoa (ở Phú Xuyên, Hà Nội) đang điều trị. Chị Hoa cho biết, bị tắc vòi trứng. Chị đã điều trị nhiều nơi, phẫu thuật thông tắc vòi trứng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng vẫn chưa có con. Chị lên mạng thấy nói ở đây có thể chữa được vô sinh nên tìm đến.

Bài thuốc chữa vô sinh của gia đình rất nhiều vị, được tán thành viên để uống
Bài thuốc chữa vô sinh của gia đình rất nhiều vị, được tán thành viên để uống

Cũng theo chị Hoa, chi phí điều trị mỗi ngày là 300.000 đồng. Chị điều trị tại nhà bà Thân đã được 34 ngày, chi phí tính đến thời điểm gặp chúng tôi là 13,5 triệu đồng. “Tôi cũng chẳng tin chỗ này chữa được vô sinh, nhưng có bệnh thì vái tứ phương, chứ chẳng biết làm sao nữa”, chị Hoa chia sẻ.

Chị Thanh Loan (Hải Phòng) cho biết, cách đây mấy năm đã đến làng An Thái điều trị vô sinh. Chị đã ăn ngủ ở nhà một thầy lang để uống thuốc và làm thuốc mất 2 tuần với chi phí gần chục triệu đồng nhưng vẫn chẳng có thai nên đã dừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết, lâu nay An Thái được xem là làng chữa vô sinh ở địa phương.

Theo thống kê, cả thôn có khoảng hơn 30 người có giấy phép hành nghề. Còn số người hành nghề tại nhà, nhiều người còn tới các địa phương khác để bán thuốc dạo hoặc một giấy phép nhưng nhiều người sử dụng (giấy phép cấp cho mẹ, nhưng 2-3 người con cùng sử dụng) phải gần 100 người, địa phương không thể quản lý.

Nói về hiệu quả của các bài thuốc chữa vô sinh, ông Lượng cho biết, ông không có chuyên môn nên không biết.

“Cũng có trường hợp sau khi uống thuốc thì có con, nhưng cũng nhiều trường hợp điểu trị mãi nhưng chẳng có thai. Tôi cũng chẳng rõ vì không có chuyên môn mà”.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, vô sinh- hiếm muộn là 2 khái niệm khác nhau. Vô sinh là mất hoàn toàn khả năng sinh con, còn hiếm muộn vẫn có khả năng sinh con, vấn đề chỉ là muộn mà thôi. Cả hai đều là bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản của nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

Cũng theo ông Hướng, khi vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường, đều đặn không sử dụng các biện pháp tránh thai mà 2 năm không thấy thụ thai thì chứng tỏ vợ, chồng hoặc cả 2 đang bị vô sinh, hiếm muộn. Nguyên nhân có thể do nam giới, nữ giới hoặc cả hai.

Nhiều người bị vô sinh, hiếm muộn tìm đến các bài thuốc Đông y. Thực tế, Đông y có thế mạnh chữa nội tiết như nang trứng không đều, niêm mạc mỏng, tinh trùng ít, yếu, không động,… Còn những bệnh nhân bị lao tử cung, tắc vòi trứng, gấp khúc ống dẫn trứng, tinh trùng là 0%, bị tai biến do quai bị, nhiễm xạ, nhiễm chì cần đến ngoại khoa.

“Các cơ sở ở An Thái quảng cáo chữa được vô sinh là sai sự thật. Bản thân ông đã đến tận nơi tìm hiểu, thậm chí đưa bệnh nhân về chữa trị nhưng không hiệu quả. Mọi người không nên tin theo ”, ông Hướng nói.

Theo Diệu Thu

Dân Việt