Ca đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong ở Việt Nam có sức khỏe trước đó ra sao?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Sở Y tế TPHCM, nam bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ tử vong ở Việt Nam bị suy giảm miễn dịch giai đoạn cuối, nhiễm trùng toàn thân nặng.

Sáng 25/10, Sở Y tế TPHCM đã thông tin nhanh về trường hợp tử vong có liên quan đến Mpox (đậu mùa khỉ) tại địa phương. Đây cũng được coi là ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong tại Việt Nam.

Theo báo cáo tóm tắt của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân là một người đàn ông 30 tuổi, địa chỉ ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Bệnh nhân nhập viện ngày 2/10 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày.

Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với đậu mùa khỉ. Quá trình điều trị, bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và chỉ số tế bào TCD4 (tế bào bạch cầu T) là 1/uL.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm nấm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng.

Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên vì tình trạng diễn tiến nặng, bệnh nhân tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.

Ca đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong ở Việt Nam có sức khỏe trước đó ra sao? - 1

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Sau khi nắm thông tin, Sở Y Tế TPHCM đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo chính thức về trường hợp này.

Tính đến chiều 22/10, địa phương ghi nhận tổng cộng 20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Đáng chú ý, 18 ca trong số các bệnh nhân trên được chẩn đoán nhiễm kèm HIV.

Ngoài ra, có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng, với các chẩn đoán như nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi...

Ngành Y tế TPHCM khuyến cáo, nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (như sốt, đau đầu, đau lưng, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể giống mụn nước ở tay chân, bộ phận sinh dục...), người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng.

Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời, cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.