TPHCM: 2 bệnh nhân đậu mùa khỉ diễn tiến nặng, 18 ca nhiễm kèm virus HIV
(Dân trí) - Trong số 20 bệnh nhân đậu mùa khỉ đang điều trị ở TPHCM, có 18 trường hợp phát hiện nhiễm kèm bệnh truyền nhiễm do virus HIV gây ra.
Ngày 23/10, Sở Y tế TPHCM đã có báo cáo về tình hình các dịch bệnh diễn ra trong tuần vừa qua ở địa phương.
Trong đó về Mpox (đậu mùa khỉ), tính đến chiều 22/10, có tổng cộng 20 ca mắc bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Đáng chú ý, 18 ca trong số các bệnh nhân trên được chẩn đoán có bệnh lý truyền nhiễm do virus HIV gây ra (B20).
Ngoài ra, có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng, với các chẩn đoán như nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi...
Ngành Y tế TPHCM khuyến cáo, nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ (như sốt, đau đầu, đau lưng, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể giống mụn nước ở tay chân, bộ phận sinh dục...), người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời, cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Về bệnh sốt xuất huyết, từ 16/10 đến 22/10, có 371 ca nhập viện tại TPHCM, bao gồm 103 trường hợp lưu trú tại tỉnh khác. Trung bình số ca nặng điều trị là 13 ca/ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).
Với bệnh tay chân miệng, TPHCM ghi nhận 553 ca từ 15/10 đến 21/10, giảm nhẹ so với tuần trước đó. Số ca bệnh tay chân miệng nặng điều trị dao động từ 24-35 ca/ngày, trung bình giảm 3%. Nếu tính riêng bệnh nhân ở TPHCM, số ca nặng dao động từ 1-4 ca/ngày, trung bình tăng 1,14 lần.
Trong các ca tay chân miệng nặng tuần qua, có 1 ca điều trị ECMO và 2 ca điều trị lọc máu, đều từ tỉnh khác chuyển đến. Hiện tại, các bệnh nhân đã cải thiện, lâm sàng ổn định. Không ghi nhận trường hợp tử vong.
Hiện tại, TPHCM điều trị nội trú 322 ca tay chân miệng dưới 6 tuổi, trong đó có 26 ca nặng (bao gồm 10 ca đang sử dụng thuốc Immunoglobulin).
Về viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tuần qua có hơn 2.400 lượt bệnh nhân đi khám được ghi nhận tại TPHCM, giảm hơn 33% so với tuần trước đó. Trong đó, có 386 ca lưu trú tại tỉnh khác. Trung bình số lượng biến chứng là 2 ca/ngày.
Trước đó tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam do Sở Y tế TPHCM tổ chức, đại diện Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính đến tuần 40, số ca mắc tay chân miệng đã vượt đỉnh thứ nhất của năm và vẫn đang tiếp tục tăng.
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ mắc tay chân miệng mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân. Số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, các trường hợp nặng và tử vong lại tập trung ở khu vực miền Tây (81%). Bệnh tay chân miệng nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (chiếm 77%).
Đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong (chưa có bệnh nhân tại TPHCM), với tác nhân chủ yếu là virus EV71.