1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ca Covid-19 tăng 22%, biến thể phụ BA.4, BA.5 dần chiếm ưu thế

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ Y tế nhận định số ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là khi dịch cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng… đang trong mùa cao điểm.

Ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận gần 2.100 ca Covid-19 mới. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số mắc mới trong ngày duy trì ở mức cao trên 2.000 ca, trong khi các tháng trước đó trung bình 500-700 ca/ngày.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, xu hướng tăng ca mắc bắt đầu từ tháng 7. Cụ thể, trong tháng 7, nước ta ghi nhận hơn 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong. Số mắc mới trung bình mỗi ngày là 1.000 ca. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 2 ca.

Đặc biệt, số ca nặng cũng có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo ngày 3/8, cả nước có 80 bệnh nhân hiện phải thở oxy (thở oxy qua mặt nạ: 68 ca, thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca, thở máy không xâm lấn: 1 ca và 7 ca phải thở máy xâm lấn). Con số này trong báo cáo ngày 2/8 chỉ là 39 ca nặng (thở oxy qua mặt nạ: 34 ca, thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca và 3 ca phải thở máy xâm lấn).

Ca Covid-19 tăng 22%, biến thể phụ BA.4, BA.5 dần chiếm ưu thế - 1

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị khoảng 100 bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 10 bệnh nhân thở máy và một số trường hợp có bệnh nền.

Bộ Y tế nhận định, số ca mắc hiện tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng. Điều này có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra dịch chống dịch do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của chúng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện

Bộ Y tế lưu ý các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại. Trong đó, đặc biệt tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bộ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Ca Covid-19 tăng 22%, biến thể phụ BA.4, BA.5 dần chiếm ưu thế - 2

Ảnh minh họa: H.L.

Sở Y tế các tỉnh, thành cần phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu các trường hợp có biểu hiện bất thường, giải trình tự gen để phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã tăng trở lại, trong tháng 7 đã ghi nhận hơn 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm vaccine. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Hậu Covid là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây nên tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Khoảng 10-35% bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ, không cần nhập viện có triệu chứng sau nhiễm Covid-19 cấp tính, bất kể tình trạng bệnh nền. Đối với bệnh nhân có bệnh nền, cần nhập viện vì Covid-19, tỷ lệ này có thể lên đến 80%.
Yếu tố nguy cơ gồm: nữ giới; lớn tuổi (>70 tuổi); có bệnh nền hoặc cơ địa; có ≥ 5 triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn mắc Covid-19 cấp; bệnh Covid-19 mức độ nặng - nguy kịch; bệnh Covid-19 có tăng D-Dimer, tăng IL-6, tăng CRP, tăng procalcitonin, tăng troponin I, tăng BUN, tăng bạch cầu neutrophil hoặc giảm bạch cầu lympho.