BV Đại học Y Hà Nội thí điểm khám bệnh từ xa trong mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Các thông tin về dấu hiệu bệnh, hình ảnh chụp X-quang, sóng điện tim... sẽ được tải lên hệ thống. Người bệnh ở Hà Tĩnh, Lào Cai… không cần đi xa vẫn được các chuyên gia đầu ngành ngồi tại Hà Nội khám.

Một trong các biện pháp phòng quan trọng trong chống dịch Covid-19 là người dân hạn chế đến cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế được chọn là đơn vị thí điểm triển khai mô hình Bệnh viện thông minh – khám chữa bệnh từ xa đảm bảo hộ gia đình, người bệnh được thụ hưởng y tế chất lượng cao. 

Căn cứ hiệu quả mô hình triển khai thí điểm, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp triển khai mở rộng quy mô tại các tỉnh, thành khác. 

BV Đại học Y Hà Nội thí điểm khám bệnh từ xa trong mùa dịch Covid-19 - 1

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong 3 đơn vị được chọn thí điểm mô hình khám bệnh từ xa. Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa.

Nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa này sẽ hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe  cho người dân. 

Do lo ngại dịch bệnh nên dù đã đến lịch hẹn khám, nhiều trường hợp không đi. Điều này vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, mỡ máu, có những cơn đau ngực nhưng ngại dịch nên không đi khám có thể để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm. Đó là tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng của bệnh tinh mạch, có thể dẫn đến tử vong. 

Vì thế, khám bệnh từ xa là một giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay. 

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bố trí Trung tâm điều hành Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 4 đầu cầu đại diện cho các vùng: đầu cầu Mường Khương (Lào Cai), TP Hà tĩnh, Quảng Xương (Thanh Hóa) và Hà Nội. Các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực sẽ tham gia hỗ trợ tư vấn về chuyên môn. 

Theo đó, qua hệ thống tư vấn tổng đài, người bệnh sẽ được hướng dẫn theo dõi các triệu chứng cho một bệnh mạn tính cụ thể. Khi thấy các dấu hiệu nào thì cần đến cơ sở y tế-trạm y tế phường, y tế thành phố. Nếu có ý định đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám, người bệnh sẽ được đặt lịch trước và hẹn giờ để thực hiện giãn cách người bệnh. 

Với những trường hợp không thể di chuyển do không có phương tiện đi lại, do đang thực hiện giãn cách xã hội, người bệnh sẽ được tư vấn đến cơ sở y tế điều kiện cơ sở vật chất để có thể khám, hội chẩn từ xa. 

Với những trường hợp này, các bệnh viện đã nhập các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh (hình ảnh chụp Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, hình ảnh sóng điện tim, hình ảnh đơn thuốc cũ- mới, xét nghiệm cũ-mới…) lên hệ thống. 

Chẳng hạn, người mắc bệnh tim mạch có thể đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) để được khám, hội chẩn trực tuyến với chuyên gia tim mạch ở đầu cầu Hà Nội qua hệ thống telemedicine. 

Bệnh nhân có thể làm siêu âm trực tiếp, kết nối màn hình siêu âm tim lên telemedicine với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Chuyển hình ảnh siêu âm. Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện có thể hướng dẫn cách siêu âm tim như thế nào (mặt cắt trục dọc cạnh ức đánh giá chức năng tim; mặt cắt 4 buồng từ mỏm đánh giá vận động vùng thành tim và hở van tim…). 

Liên quan đến dịch bệnh Covid-19, chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh. Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và TP HCM, sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra.

Điều kiện tiếp tục thực hiện dãn cách: nhóm 1 thêm 2 tuần, nhóm 2 thêm 1 tuần.

Nhóm 1, các tỉnh thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương, gồm: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Nhóm 2 là nhóm có nguy cơ vừa, gồm 15 địa phương. 

Nhóm 3 là nhóm có nguy cơ thấp, là các địa phương còn lại. 

Nam Phương