Người dân không mua thuốc trị giun dự phòng chữa Covid-19
(Dân trí) - Một số thuốc như thuốc ARV, cloroquin/hydrocloroquin (điều trị sốt rét), ivermectin (thuốc trị giun)... đang trong quá trình thử nghiệm điều trị Covid-19 và chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức.
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm SARS-CoV-2 không ngừng tăng lên. Các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đang đẩy nhanh việc nghiên cứu để tìm ra thuốc mới và các phương pháp điều trị đặc hiệu với SARS-CoV-2. Một số thuốc như thuốc ARV, cloroquin/hydrocloroquin, ivermectin... đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức.
Thời gian qua có hiện tượng người dân tự ý tìm mua các thuốc nêu trên để tích trữ, tự sử dụng điều trị dự phòng Covid-19. Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân do tác dụng không mong muốn của thuốc và gây xáo trộn tình hình cung ứng thuốc trong nước.
Bên cạnh đó, có hiện tượng lợi dụng dịch Covid-19 để tăng giá một số thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, hạ sốt, giảm đau... tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19, cũng như đảm bảo ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện bán và tư vấn sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc tại đơn thuốc hoặc theo chỉ định đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo. Không được bán thuốc theo chỉ định chưa được Bộ Y tế phê duyệt.
Người dân bị sốt, ho… phải khai báo y tế
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu các Sở Y tế truyền thông cho người dân trên địa bàn để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà theo các thông tin chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế.
Khi có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... phải khai báo y tế điện tử và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu sở Y tế phải rà soát, thông tin cho tất cả các hiệu thuốc với các trường hợp đến mua thuốc cảm, ho, sốt… phải yêu cầu khai báo y tế ngay lập tức; thông tin kịp thời cho trạm y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm. “Nếu hiệu thuốc nào để sót trường hợp này phải xử lý theo đúng quy định pháp luật, tước giấy phép hoạt động vĩnh viễn”, Chủ tịch UBND TP nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng khuyến cáo, trong giai đoạn này, người nào có sốt, ho đều phải khai báo y tế, để được xét nghiệm. Một số trường hợp khi có biểu hiện sốt, ho đã tự đi mua thuốc điều trị, không khai báo, dẫn đến lây cho cộng đồng.
“Không cảnh giác với những người bị ho, sốt trong thời điểm này rất nguy hiểm. Dù địa phương có đi từng ngõ, gõ từng nhà mà người dân không khai báo thì cũng không thể biết được”, TS Phu nhấn mạnh. Nhiều trường hợp bệnh nhẹ thành nặng rất nhanh, virus vào phổi. Một số ca mắc Covid-19 vào viện diễn biến nhanh, nặng.
Nam Phương