Bụi càng nhỏ càng nguy hiểm cho sức khỏe
(Dân trí) - Có mối liên quan chặt chẽ giữa những hạt bụi kích thước rất nhỏ trong không khí ô nhiễm với một loạt bệnh nghiêm trọng.
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc đã cho thấy kích thước các tiểu phân gây ô nhiễm không khí càng nhỏ thì khả năng gây bệnh càng lớn, chỉ ra sự cần thiết phải theo dõi dạng bụi nhỏ (PM) có đường kính 1 micron hoặc thậm chí nhỏ hơn – là dạng ô nhiễm ít khi được theo dõi.
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, làm tăng mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Trong số những loại chất ô nhiễm chính được đánh giá có PM2,5 (vật chất dạng hạt bụi nhỏ đường kính 2,5 micron), có thể xâm nhập vào hệ hô hấp và góp phần gây ra một loạt bệnh, bao gồm cả bệnh tim mạch.
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives, các nhà khoa học thuộc Khoa Y tế Công cộng Trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải đã chứng minh mối tương quan giữa ô nhiễm PM2,5 và tỷ lệ mắc một số bệnh cụ thể.
Họ đã dành 2 năm để thu thập số liệu tại một thành phố loại vừa ở miền Nam Trung Quốc, đo nồng độ bụi thuộc 23 mục kích thước khác nhau từ 0,25 micron đến 10 micron. Sau đó họ vẽ đồ thị tình trạng sức khỏe của người dân trong thành phố so sánh với nồng độ bụi có kích thước khác nhau tại nơi sinh sống.
Kết quả cho thấy những vùng có nồng độ cao loại bụi kích thước nhỏ hơn thì cũng có tỷ lệ mắc một số bệnh cao hơn.
“Nghiên cứu cho thấy dạng bụi nhỏ mịn trong không khí có đường kính từ 0,25 -0,5 micron liên quan chặt chẽ với sức khỏe của người, đặc biệt là làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch”, GS Kan Haidong, khoa Y tế Công cộng Trường Đại học Phục Đán nói.
Dạng bụi nhỏ đường kính 0,25-0,5 micron chiếm khoảng 90% tổng số vật chất dạng tiểu phân có trong không khí trong nghiên cứu.
GS Kan cho rằng kích thước hạt bụi càng nhỏ thì nồng độ trong một thể tích không khí càng cao và do đó số hạt bụi thâm nhập được vào mô bên trong cơ thể càng nhiều.“Bên cạnh đó, cũng có mối liên quan với sự lắng đọng của các loại bụi đường kính khác nhau trong đường hô hấp dưới.
Những loại bụi nhỏ hơn cũng có thể vượt qua hàng rào máu-không khí ở phổi, xâm nhập vào máu như những độc chất, và gây bệnh tim mạch. Những loại bụi kích thước lớn hơn không thể vượt qua hàng rào máu-không khí dễ dàng như vậy. Các loại bụi nhỏ khi vào cơ thể cũng có thể gây hại cho hệ thần kinh của người.
Kết luận của nghiên cứu cho thấy kích thước các hạt tiểu phân càng nhỏ thì mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng càng lớn đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu nhiều hơn về ô nhiễm PM1 – loại bụi có đường kính 1 micron hoặc nhỏ hơn.
“Ý nghĩa của nghiên cứu là đã chỉ ra một hướng mới để phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí”, GS Kan nói. “Điều chúng ta cần làm là tập trung vào dạng tiểu phân có kích thước nhỏ hơn, thay vì PM2,5”.
Một số nhà khoa học cũng đã gợi ý cần nghiên cứu thêm về ô nhiễm PM1 và vai trò của nó trong gây bệnh trên diện rộng.
“Ở Thượng Hai, PM1 chiếm khoảng 80 đến 90% lượng PM2,5 của thành phố. Vì thế sẽ hiệu quả hơn nếu tiến hành nghiên cứu về PM1 thay cho PM2,5”, GS Yang Xin, Bộ môn Khoa học và Công nghệ Môi trường tại Trường Đại học Phục Đán nói.
PM2,5 là mục ô nhiễm chính được các cơ quan của chính phủ theo dõi.
Cẩm Tú
Theo asiaone