Bức tranh dịch Covid-19 tại 23 điểm "nóng" của cả nước
(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, từ ngày 22/8 đến ngày 4/9 tại 23 địa phương đã ghi nhận 169.703 ca mắc Covid-19. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.
3 nhóm địa phương thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19
Tại cuộc họp trực tuyến chiều 5/9 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) từ ngày 22/8 đến ngày 4/9 tại 23 địa phương đã ghi nhận 169.703 ca mắc Covid-19.
Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng, TPHCM tăng 9.835 ca (31%).
Có 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước là Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau. Trong đó, có 8 tỉnh gồm Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Vĩnh Long, Khánh Hòa, tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.
5 địa phương có số ca Covid-19 cao nhất cả nước (từ ngày 27/4) lần lượt là: TPHCM (hơn 230.000 ca), Bình Dương (hơn 120.000 ca), Đồng Nai (trên 25.000), Long An (trên 23.000), Tiền Giang (hơn 10.000).
Về kết quả thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch, Bộ trưởng cho biết, hiện có 3 nhóm địa phương:
Nhóm một gồm 8 địa phương (Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Phước, Phú Yên) đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhóm 2 gồm 11 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng) đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Nhóm 3 gồm 4 địa phương là TPHCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Đẩy mạnh xét nghiệm "bóc" F0 ra khỏi cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường vì vậy vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Công tác xét nghiệm được đẩy mạnh, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội cũng đẩy mạnh việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng, trong đó Bình Dương đã xét nghiệm cho 4,5 triệu người; TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm nhanh cho hơn 3,3 triệu người; tại Đồng Nai là khoảng 2,6 triệu lượt người, tại Long An là hơn 1 triệu người.
Về công tác điều trị, giảm tử vong, Bộ Y tế đã huy động tổng lực cho TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người, cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch (gần 6.000 máy thở các loại, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu…).
11 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại phía Nam đã được thiết lập, riêng TPHCM có 6 trung tâm, đang điều trị cho hơn 6.400 trường hợp nặng. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3.
Về vấn đề tiêm vắc xin, đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 21,5 triệu liều, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên. Trong đó hơn 15 triệu người đã tiêm một liều và hơn 3,2 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
Đến ngày 4/9, số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin tại Hà Nội là hơn 3 triệu liều, đạt 52,7%); TPHCM là hơn 6,1 triệu liều, đạt 88%.