Bỗng dưng... tắt thở

Sáng chủ nhật, khi đưa xe ra khỏi cổng nhà để đi bơi, một người hàng xóm níu tay tôi lại, khẩn thiết: “Bác sĩ qua xem giùm thằng em tôi. Sao từ sáng đến giờ không thấy nó thở nữa”.

  

Tôi vội rảo bước qua nhà, một thanh niên vạm vỡ ngoài 30 tuổi đang nằm bất động trên ghế. Tim không còn đập nữa, cánh mũi cũng không còn phập phồng. Toàn thân toát ra vẻ lạnh lùng của thần chết. Loay hoay gần năm phút tôi vẫn không tìm thấy một dấu hiệu nào của sự sống.

 

Theo lời kể của người nhà nạn nhân, đêm hôm qua, sau khi đi chơi về lúc một giờ khuya, nạn nhân vào nhà vệ sinh và chết ở trong đó, không một ai trong gia đình biết. Mãi đến năm giờ sáng hôm sau mới phát hiện ra. Nghe tôi hỏi: “Từ trước đến giờ anh ta có bị bệnh gì không?” người chị nói qua làn nước mắt: “Không, em tôi rất khoẻ mạnh, hai năm nay không thấy nó bị bệnh gì”. Nghe đến đây, tự dưng tôi giật mình. Sao gần đây tôi hay nhận được thông tin về những cái chết đột ngột của hàng xóm và bạn bè kiểu như thế này quá. Có anh bạn ngay trong đêm động phòng đã vội từ bỏ trần thế. Có người quen cũ sau bữa rượu gục ngay xuống bàn tắt thở. Có người chồng kia ngủ một đêm rồi không dậy nữa... Với những cái chết đột ngột như thế, dân gian vẫn quen gọi là “chết bất đắc kỳ tử”, còn trong y học người ta gọi ngắn gọn hơn: đột tử.

 

Cái chết không báo trước

 

Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới: “Đột tử có nghĩa là cái chết không được dự báo trước, xảy ra trong vòng một giờ khi khởi phát những triệu chứng nguy hiểm cho tính mạng con người”. Hàng năm ở Mỹ có khoảng 300.000 người đột tử. Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong y học, nền kinh tế phát triển vào bậc nhất thế giới và người dân cũng rất biết quan tâm sức khoẻ nhưng hằng năm số người bị đột tử ở nước này vẫn không hề giảm. Trước kia, người ta thường nghĩ đột tử chỉ xảy ra ở những người trẻ tuổi nhưng gần đây số người già bị đột tử cũng ngày càng nhiều.

 

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra đột tử như: nhồi máu phổi, thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp, vỡ các mạch máu lớn, tai biến mạch máu não nặng với tổn thương lan toả trên diện rộng… Trong đó nguyên nhân chiếm hàng đầu là các bệnh về tim mạch. Riêng ở châu Âu và Mỹ, mặc dù đột tử cũng xảy ra trong tất cả các bệnh tim mạch nhưng bệnh về động mạch vành lại chiếm đa số. Tình trạng đột tử có thể xảy ra khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc có tình trạng rối loạn nhịp tim (trên một bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cũ nhưng không được phát hiện và điều trị đúng mức). Điều nguy hại là ở một số người trẻ, khoẻ các bệnh về động mạch vành nhiều khi lại không có biểu hiện gì ra bên ngoài. Bệnh nhân không hề thấy đau ngực, không hề mệt khi làm việc nặng. Do đó họ rất dễ chủ quan sức khoẻ của mình. Một số nguyên nhân về tim mạch khác cũng thường gặp ở những nạn nhân đột tử như: bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn nở vô căn, bệnh lý van tim, các rối loạn nhịp như: ngoại tâm thu, hội chứng Wolf-Parkinison-White, các rối loạn nhịp chậm… Các loạn nhịp do sử dụng thuốc tân dược cũng có thể gây ra đột tử.

 

Nhập viện càng sớm càng tốt

 

Khoảng 95% nạn nhân đột tử khi được người thân phát hiện ra đã chết khi ở nhà. Chỉ có khoảng 5% đến được bệnh viện và 2% trong số đó được cứu sống. Ở Việt Nam và một số nước khác, do chưa ý thức được mức độ trầm trọng của bệnh nên nạn nhân thường được để ở nhà cạo gió và làm một số động tác cứu chữa theo kiểu kinh nghiệm dân gian. Việc làm này vô tình làm mất đi thời gian vàng từ 4-8 phút mà não và tim nạn nhân có thể hoạt động trở lại trong tình trạng thiếu oxy. Tất nhiên, việc cấp cứu đột tử là rất khó, cần phải có những thầy thuốc có kinh nghiệm và các thiết bị điều trị đặc hiệu nhưng nếu sớm được đưa vào bệnh viện thì khả năng cứu chữa cho nạn nhân vẫn luôn cao hơn.

 

Trong xã hội hiện đại, khi mà lối sống công nghiệp hoá chi phối đến từng bữa ăn của nhiều người, lấy đi những khoảng thời gian tối thiểu cho việc nghỉ ngơi, rèn luyện sức khoẻ, hẳn nhiên sẽ làm cho các bệnh, nhất là tim mạch, càng có điều kiện phát triển. Vì vậy không có gì quá bí ẩn để lý giải cho những cái chết không được báo trước như đã nói ở trên.

 

Để tránh bị thần chết gọi đi bất ngờ ở thời kỳ mà các phương tiện điều trị y khoa đang phát triển như vũ bão, các bệnh nhiễm trùng, bệnh kinh điển đã bị đẩy lùi, một số bệnh bị xoá bỏ như đậu mùa, uốn ván… thì điều đầu tiên mọi người nên làm là khám sức khoẻ định kỳ trong năm. Những yếu tố cần phải tầm soát, bên cạnh kiểm tra khả năng bị ung thư, các bệnh về hô hấp, chính là nguy cơ tim mạch. Một phim chụp tim phổi, một lần đo điện tim và cao hơn là siêu âm tim, xét nghiệm đánh giá các rối loạn chuyển hoá đường, mỡ trong máu là rất cần thiết. Nếu phát hiện ra các bất thường, dù rất nhỏ, cũng nên đến ngay các thầy thuốc chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không nên bi quan về tình trạng sức khoẻ nhưng cũng không nên quá chủ quan. Một thái độ sống cân bằng sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều điều không hay của cuộc sống.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

Sài Gòn tiếp thị