Bộ Y tế yêu cầu xác minh vụ “thịt thối” tuồn vào bữa ăn trường học

(Dân trí) - Trước thông tin phản ánh về việc người dân phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 61P. 4522 chở nhiều thực phẩm đã bốc mùi hôi thối nhập vào trường tiểu học Long Bình, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để chế biến phục vụ bữa ăn học sinh, Bộ Y tế yêu cấu báo cáo và xác minh thông tin vụ việc này.

Theo thông tin phản ánh, số thực phẩm trên là của Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào (Địa chỉ tại khu phố Bình Khánh, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên). Để xác minh thực hư việc “thịt thối” tuồn vào trường học chế biến thành bữa ăn cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu hối hợp với các cơ quan hữu quan tại địa phương để kiểm tra, xác minh nội dung thông tin phản ánh trên.

Thực phẩm bẩn là câu chuyện nhức nhối của toàn xã hội. Ảnh minh họa.
Thực phẩm bẩn là câu chuyện nhức nhối của toàn xã hội. Ảnh minh họa.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu Sở Y tế Bình Dương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với Công ty TNHH MTV Phú Nhật Hào và bếp ăn của trường tiểu học Long Bình, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm. Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian gần đây, việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng ở một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường học có tổ chức ăn bán trú diễn biến phức tạp, đe dọa gây ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là học sinh - sinh viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Vụ Công tác học sinh - sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Vụ chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường triển khai thực hiện một số biện pháp.

Theo đó cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm tại các các bếp ăn, căng tin của trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… trong cơ sở giáo dục. Tập trung vào các nội dung như vệ sinh cá nhân; vệ sinh ăn uống; vệ sinh cơ sở chế biến; sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn; kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, nhận biết, sử dụng thực phẩm, thức ăn bảo đảm an toàn ...

Kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn không bảo đảm đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp suất ăn cho các cơ sở giáo dục, các trường học bán trú. Đối với các bếp ăn do cơ sở tự tổ chức cần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường hoạt động tự kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, bị ôi thiu, mốc, hỏng… để chế biến thức ăn.

Khi phát hiện có sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, các cơ sở giáo dục cần thông báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương và phối hợp triển khai có hiệu quả các biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.

Tú Anh