1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế yêu cầu dự trữ đủ vắc xin phòng bệnh dại

(Dân trí) - Liên quan đến thông tin phản ánh thiếu vắc xin phòng bệnh dại tại một số địa phương, Bộ Y tế đã liên tiếp có các công văn chỉ đạo báo cáo tình hình cung ứng vắc xin. Cơ quan này cũng tổ chức họp khẩn tìm hướng giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin dại.

Thiếu vì nhu cầu tăng đột biến

Tại cuộc họp vừa diễn ra cuối tuần qua do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chủ trì nhằm đánh giá tình hình dự trù, mua sắm và cung ứng đối với từng loại vắc-xin phòng bệnh dại trên toàn quốc, nhiều địa phương cho biết thiếu vắc xin dại bởi nhu cầu sử dụng tăng đột biến.

Bộ Y tế yêu cầu dự trữ đủ vắc xin phòng bệnh dại - 1

Đại diện ngành y tế các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh, Tây Ninh, Quảng Ninh đều kêu vắc xin phòng bệnh dại tại địa phương chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Tình hình khan hiếm, thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại ở các địa phương trên diễn ra cao điểm trong tháng 4/2018.

Theo lý giải, ngoài việc nhà nhập khẩu chưa cung ứng đủ vắc xin theo hợp đồng, thì nhu cầu sử dụng vắc xin này gia tăng cũng là căn nguyên gây nên tình trạng thiếu vắc xin dại.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, qua khảo sát tại các phòng tiêm chủng, điểm tiêm chủng cho thấy, nhu cầu về tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại tỉnh này tăng khoảng 2,5- 3 lần so với năm ngoái.

Lý giải về tình trạng thiếu vắc xin dại, đơn vị cung ứng cho rằng có nhiều nguyên nhân từ nhà sản xuất, từ sự chuyển giao của nhà nhập khẩu/cung ứng này với nhà nhập khẩu/cung ứng khác… Tuy nhiên, hiện các đơn vị đang nỗ lực để có thêm nguồn vắc-xin phòng bệnh dại phục vụ nhân dân.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 1.300.000 liều vắc xin. Trong khi đó, tổng số lượng nhập khẩu vắc xin phòng dại năm 2017 khoảng 1.467.000 liều.

Cục Quản lý Dược cho biết, trong năm 2018, các đơn vị dự kiến nhập về gồm: Vắc xin Verorab khoảng 493.000 liều; vắc xin Abhayrab khoảng 1.400.000 liều; vắc xin Indirab khoảng 300.000 liều; vắc xin Speeda đã nhập khẩu 2.200 liều trong năm 2018 và nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô tiếp theo.

Trong đó, với 2.200 liều vắc xin dại Speeda khi nhập về, do cơ sở chưa nộp hồ sơ thay đổi bổ sung nên Viện Kiểm định vắc xin quốc gia chưa thể cho xuất xưởng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ bổ sung vào ngày 12/4/2018 của công ty này thì ngày 24/4/2018, Cục Quản lý Dược đã có công văn chấp nhận hồ sơ thay đổi bổ sung. Như vậy, 2.200 liều vắc xin này có thể xuất xưởng và đưa ra cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng.

Ngay trong tháng 5/2018 sẽ có 273.000 liều vắc xin phòng bệnh dại để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng.

Phải chủ động dự trù vắc xin

Dù vắc xin dại khó dự trừ do nhu cầu sử dụng vắc xin phòng dại phụ thuộc số lượng dân bị chó mèo cắn, nhưng theo Thứ trưởng Cường, để xẩy ra tình trạng bị động về vắc xin phòng bệnh dại như thời gian qua là "bị động". Vì thế, ông Cường yêu cầu các đơn vị tiêm chủng cần dự trù nhu cầu, chủ động đặt hàng, không để xảy ra tình trạng "ăn đong" vắc xin như thời gian qua. Tối thiểu, luôn phải có lượng vắc-xin tồn kho dự trù sẵn trong khoảng 1 tháng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các nhập khẩu/nhà cung ứng cũng như các địa phương nếu gặp khó khăn khi nhập khẩu/cung ứng vắc-xin nói chung/vắc-xin phòng chống bệnh dại nói riêng cần báo cáo ngay về Cục Quản lý Dược và các cơ quan liên quan để kịp thời xin ý kiến lãnh đạo Bộ tìm phương án giải quyết, nhằm có vắc-xin kịp thời phục vụ người dân.

Bộ Y tế cũng cho rằng, người dân nên tin tưởng vào chất lượng vắc xin, sử dụng cả các vắc xin phòng bệnh dại khác (người dân có xu hướng ưu tiên, thích sử dụng vắc xin Verorab của Pháp). Trên thực tế, 5 loại vắc xin dại có mặt trên thị trường Việt Nam đều đảm bảo an toàn. Bởi tất cả các lô vắc xin khi sản xuất xong, từng lô sản xuất/nhập khẩu phải được kiểm định trong nước và nước ngoài và chỉ được lưu hành khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

Trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin nói chung và vắc xin phòng dại nói riêng phải được cơ quan kiểm định có thẩm quyền của nước ngoài kiểm tra đáp ứng yêu cầu. Sau khi đã nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin phải được tiếp tục kiểm định bởi Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đạt yêu cầu mới được đưa ra lưu hành, sử dụng.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm