Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm

Minh Nhật

(Dân trí) - Cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, có 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ. 

Đây là thông tin được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Nhiều người tự dùng thuốc nam chữa bệnh dại

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên: Cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16).

Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm - 1

Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 (Ảnh: Bộ Y tế).

Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. 60/63 tỉnh có dại trong 10 năm gần đây.

Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 170%)", Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin.

Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm - 2

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Bộ Y tế).

Về tình hình bệnh dại, trong năm 2024, đến nay ghi nhận 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca).

Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm - 3

Tình hình bệnh dại năm 2024 (Ảnh: Chụp màn hình).

Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk: 4 ca, Long An: 3 ca).

Về tình hình tiêm vaccine phòng dại trên người, theo ông Đức, trong năm 2023 có đến 674.888 người tiêm vaccine phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm dại cao nhất trong 6 năm qua, lên đến 65%.

"Theo điều tra năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm - 4

Nhiều người sau khi bị chó cắn không đi tiêm vaccine vì dùng thuốc nam điều trị (Ảnh: Chụp màn hình).

Đáng chú ý, có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Bên cạnh đó, có đến 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại", ông Đức cho hay.

Bệnh dại gây ra gánh nặng lớn với sức khỏe người dân và kinh tế, an sinh xã hội.

Bình quân, có 70 người chết mỗi năm vì bệnh dại dù đã có vaccine cho cả người và động vật. Đây cũng là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm.

Nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm

Theo ông Đức, cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. 

Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp bệnh, trong đó có 57 ca tử vong. Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1).

Tích lũy đến nay Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (khoảng 50%).

Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ đại dịch từ cúm gia cầm - 5

Cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới (Ảnh: Getty).

Về cúm A(H7N9), hiện chưa ghi nhận ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam trên cả gia cầm và người. Nước ta cũng chưa ghi nhận cúm A(H5N6), A(H5N8) và A(H9N2) lây sang người, dù có ghi nhận ổ dịch trên gia cầm.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh rằng, bệnh vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu; tỷ lệ tử vong rất cao khoảng 50%.

Ông Đức nhấn mạnh, cúm gia cầm có nguy cơ gây ra các đại dịch tiếp diễn.

Khả năng lây lan giữa động vật và người được xác nhận ở các chủng cúm A(H5N6), A(H5N1), A(H5N8) và các subtype khác.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận sự gia tăng ca mắc Cúm A (H5N1) trên người ở một số quốc gia: Campuchia (từ tháng 2/2023), Trung quốc và Việt Nam.

Việc lưu hành đồng thời của các virus cùng với sự tăng cường khả năng thích ứng trên động vật có vú cũng là một yếu tố đáng quan ngại.

Có sẵn vaccine nhưng tỷ lệ tiêm chỉ đạt 30%

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ y tế, tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp nhất là bệnh lây từ động vật sang người như: H5N1, dại.

Hai thập kỷ vừa qua trên thế giới và Việt Nam xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm tác động lớn đến kinh tế xã hội của các quốc gia phần lớn là dịch bệnh lây từ động vật sang người.

"Ở trong nước nhiều dịch bệnh lây từ động vật sang người gây tác động lớn như: dại, cúm, than. Để phòng chống các dịch bệnh này cần có sự phối hợp liên ngành và được sự quan tâm của các cấp chính quyền", Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng đàn gia cầm và gia súc ở nước ta thời gian gần đây tăng rất cao. Về đàn lợn có 28,6 triệu con, gia cầm có 558 triệu con.

Đầu thế kỷ 21 theo thống kê 70% các dịch bệnh mới nổi lây từ động vật sang người

Ông Tiến chỉ ra nhiều thách thức làm tăng nguy cơ các dịch bệnh lây từ động vật sang người: Chăn nuôi nhỏ lẻ, dịch bệnh thông qua đường biên giới rất phức tạp, thời tiết cực đoan.

Đáng chú ý, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó mèo ở nước ta chỉ đạt 30%, trong khi vaccine luôn có đủ.

Nhìn về bài học từ Covid-19, ông Tiến nhấn mạnh vaccine là lá chắn thép. Do đó, vấn đề tiêm vaccine trên đàn chó mèo là điểm nóng cần bàn bạc để có phương án đảm bảo độ phủ vaccine dại.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu tình trạng không rọ mõm chó mèo tại nơi công cộng vẫn còn nhức nhối trên cả nước.

Ông Tiến nêu quan điểm phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý đàn chó mèo ở các địa phương.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra.

Với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên.

Đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng. Trong thời gian qua, ngành y tế và ngành thú y đã có sự phối hợp lâu dài, chặt chẽ và đạt được một số thành tích nhất định.

Tại hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm