Bộ Y tế sắp trình phương án tăng phụ cấp mổ, tiền trực

Thảo Vy

(Dân trí) - Bộ Y tế từng xếp thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chuyển dịch nhân lực từ công sang tư, nhưng không phải là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết.

Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng đề xuất nhằm tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế, phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay.

Thông tin này được nêu ra trong văn bản Số 4482/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 99/2023/QH15, Bộ đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, dự kiến ban hành trong năm 2024.

Bộ Y tế sắp trình phương án tăng phụ cấp mổ, tiền trực - 1

Thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở công được đánh giá thấp so với khối lượng công việc (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Cùng với đó, Bộ Y tế đang xây dựng quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trình Thủ tướng vào tháng 11.

Nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm:

  • Tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay.
  • Áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24h của viên chức, người lao động theo Bộ luật Lao động.
  • Áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức).

Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc cuối năm 2022, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ hiện rất thấp và không phù hợp, trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác.

Liên quan đến đề nghị xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm, Bộ Y tế thông tin:

"Việc nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước 5 năm không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri và sẽ tích cực tham gia ý kiến khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền".