1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức bảo hiểm y tế bổ sung

Nam Phương

(Dân trí) - Bên cạnh gói cơ bản như hiện nay, Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức bảo hiểm y tế bổ sung để chi trả các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm. Đây là loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện.

Bộ Y tế đang xây dựng dự án luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, trong đó có 2 nội dung lớn là mở rộng phạm vi quyền lợi và chính sách BHYT bổ sung. 

Theo đó, BHYT bổ sung là loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện do người đã tham gia BHYT sử dụng để chi trả cho các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT cơ bản theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 

Bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho rằng: "Chúng ta nên có hình thức bảo hiểm y tế bổ sung. Nếu không có thì người dân vẫn mua bảo hiểm thương mại để chi trả cho phần cơ quan bảo hiểm không chi trả". 

Bà Hương dẫn 2 lý do cho đề xuất bổ sung này. Thứ nhất, chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Chính phủ, trong đó có nội dung về đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế.

Thứ 2, chi trả từ tiền của người bệnh Việt Nam tương đối cao so với khuyến cáo của WHO (khoảng 39% so với 20%). Điều này ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người bệnh. 

Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức bảo hiểm y tế bổ sung - 1

Bên cạnh gói bảo hiểm y tế cơ bản, Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức bảo hiểm y tế bổ sung (Ảnh minh họa: D.T).

"Vì thế, tại sao chúng ta không tìm mô hình chia sẻ bớt gánh nặng cho người bệnh? Dù vậy, đây là một chính sách phức tạp, phải nghiên cứu kỹ để có đánh giá, xem xét", bà Hương nhấn mạnh. 

Theo bà, BHYT bổ sung sẽ chi trả cho 2 phần gồm phần cùng chi trả và phần BHYT không chi trả. Vì thế, khi đưa vào dự án luật phải xác định rõ nguyên tắc, phạm vi được hưởng, tổ chức thực hiện. 

BHYT bổ sung giúp người dân giảm mức chi tiền túi, tăng khả năng tiếp cận các loại thuốc đặc trị có chi phí điều trị cao và dịch vụ y tế chất lượng cao với mức chi phí bảo hiểm hợp lý. Điều này giúp người bệnh không bị kiệt quệ vì gánh nặng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. 

Nhờ đó, người dân có thể sớm tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến hiện chưa thuộc phạm vi gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả. Đồng thời, nó cũng giúp đảm bảo sự bền vững của ngân sách BHYT.

Chậm cập nhật thuốc mới vào danh mục thuốc được BHYT chi trả

Việc chậm tiếp cận các thuốc mới được BHYT chi trả cũng đã kéo dài trong thời gian qua. Từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới trong khi trên thế giới, quy trình cập nhật danh mục này tương đối nhanh chóng. 

Ví dụ, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục BHYT chi trả ở Nhật là 3 tháng, Anh, Pháp là 15 tháng, ở Hàn quốc là 18 tháng.

Bà Hương cho biết hiện nay có rất nhiều thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng, tài chính. Tuy nhiên, danh mục thuốc được BHYT chi trả tại nước ta chậm cập nhật, trong đó có vấn đề về cân đối quỹ. 

"Vấn đề là chúng ta có đưa các thuốc mới vào danh mục được BHYT chi trả hay không? Nếu không đưa thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài. Nếu đưa vào thì nên đưa như thế nào", bà Hương phân tích. 

Để giải quyết việc cân đối cho quỹ BHYT khi đưa thuốc mới vào, bà Hương đề xuất trong dự án luật có thể đưa ra mức trần thanh toán, ai muốn sử dụng dịch vụ cao hơn thì bỏ tiền túi. Ví dụ, thủy tinh thể đang có dải giá rộng từ 700.000 đến 24 triệu đồng, BHYT thanh toán mức 3 triệu - có thể sử dụng làm mức trần.

Như thế, ai tham gia BHYT cũng được hưởng quyền ở mức cơ bản. Nếu họ muốn hưởng, sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn thì phải chi trả

"Bộ Y tế cần nghiên cứu về vấn đề này. Các thuốc mới khi được đưa vào danh mục được thanh toán người bệnh sẽ cảm thấy họ có thẻ BHYT họ vẫn được BHYT chi trả lại vẫn được sử dụng các dịch vụ tốt hơn", bà Hương nói. 

Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức bảo hiểm y tế bổ sung - 2

Nhiều chuyên gia cho rằng nên có cơ chế quy định về việc cập nhật danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT ít nhất 1 năm 1 lần. Điều này là vô cùng cấp thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và quyền được tiếp cận phương pháp điều trị tối ưu của bệnh nhân.

Bộ Y tế đang sửa đổi bổ sung, cập nhật danh mục thuốc, vật tư y tế, thuốc y học cổ truyền, nhằm đảm bảo quyền lợi và mức hưởng của người có thẻ BHYT. 

Tại hội thảo tham vấn ý kiến về dự án luật BHYT sửa đổi diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh việc xây dựng luật BHYT sửa đổi là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Luật BHYT sẽ được sửa đổi toàn diện, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024. 

Dự án luật BHYT được sửa đổi nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện: Tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.

Luật BHYT hiện chưa theo kịp so với nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao (về cả phạm vi và chất lượng); sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và việc thực hiện chủ trương, chính sách về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. 

Vì thế, việc sửa đổi quy định pháp luật để giúp người bệnh tăng tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến, đồng thời đảm bảo sự bền vững của ngân sách BHYT. 

Nghị quyết 20 đặt mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế còn 35% và tiếp tục giảm còn 30% vào năm 2030. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đến năm 2025 đạt tối thiểu 95% với 12 loại vaccine và đảm bảo đạt 95% với 14 loại vaccine đến năm 2030. 

Đặc biệt, phấn đấu tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 90% năm 2025 và tăng lên trên 95% năm 2030. 

Những mục tiêu này là thách thức rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ về thể chế chính sách.