Bộ Y tế đề xuất người độc thân 18 tuổi trở lên mới được phép chuyển giới
(Dân trí) - Trong Dự thảo luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến, cá nhân được yêu cầu can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: có giới tính sinh học hoàn thiện; Được kiểm tra tâm lý và xác nhận của chuyên gia; đủ 19 tuổi trở lên; là người độc thân…
Nhiều người Việt chuyển giới "chui" ở nước ngoài
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), tại Việt Nam ước tính có từ 100.000 – 270.000 người chuyển giới.
Trong những Nghiên cứu về sức khỏe từ Viện Nghiên cứu iSEE, nghiên cứu về sự cần thiết của các dịch vụ chăm sóc y tế cho người chuyển giới ước tính có khoảng 2.000-3.000 người chuyển giới nữ đang sinh sống tại TP.HCM.
Tuy nhiên, các ca thực hiện chuyển giới này chủ yếu làm “chui” ở nước ngoài, với chi phí từ khoảng 30.000 đô la cho việc chuyển đổi từ Nữ sang Nam và khoảng 35.000 đô la cho việc chuyển đổi từ Nam sang Nữ. Ngoài ra còn những dịch vụ khác như liệu pháp hormorne, thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ,.. Việc chuyển đổi giới tính không làm thay đổi những đặc điểm nhận dạng sinh học đặc trưng của cơ thể, như: dấu vân tay, nhóm máu, khuôn mặt (trừ khi có phẫu thuật thẩm mỹ). Chi phí này đắt hơn tại Việt Nam từ 8 – 10 lần
Một nhóm khác, đó là đối tượng người chuyển giới đang sử dụng các loại thuốc hormorne trôi nổi ngoài thị trường, nguồn hàng chủ yếu là xách tay, hoặc qua người quen đã sử dụng truyền miệng lại, với giá cả và chất lượng không thể kiếm chứng, mang lại nhiều rủi ro sức khỏe cho người chuyển giới.
Theo Trung tâm ICS, trung bình mỗi năm tại TP.Hồ Chí Minh, có khoảng 24-30 người chuyển giới gặp các biến chứng hậu phẫu và phải quay ngược lại Thái Lan để thăm khám, và khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon..và còn rất nhiều những nguy hiểm khác chưa thể thống kê, vì số lượng người chuyển giới sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít.
Người chuyển giới tại Việt Nam không được chuẩn bị về mặt tâm lý, các bài trắc nghiệm về tinh thần khi chuyển giới: ăn mặc như giới tính mong muốn 24/24 giờ; tập luyện những thay đổi khi giao tiếp/xưng hô với những người xung quanh, những thay đổi/khó khăn có thể gặp phải về sức khỏe/giấy tờ…
Người đã đi nước ngoài hoặc phẫu thuật “chui” để chuyển đổi giới tính thì không được công nhận nhân thân, giới tính mới khi trở về Việt Nam, trở thành “người vô hình” sống ngoài sự thừa nhận của pháp luật.
Trước đó, Bộ luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Theo đó, Điều 37. Chuyển đổi giới tính quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Như vậy, sẽ cần phải xây dựng Luật chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Vì thế, Bộ Y tế đề xuất 3 giải pháp về chuyển giới:
Giải pháp1: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng 02 năm trở lên) thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính;
Giải pháp 2: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng 01 năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục) được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Giải pháp 3: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hoóc môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ chỉ cần có Bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Bộ Y tế ủng hộ giải pháp 1 và 2. Tức là cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, và đã sử dụng hoóc môn liên tục (khoảng 02 năm trở lên) được thay đổi giấy tờ hộ tịch và cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn liên tục (khoảng 01 năm) và đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục) được thay đổi giấy tờ hộ tịch.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng kiến nghị cần quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính; để được chuyển giới phải là người độc thân…
Về việc công nhận đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực, Bộ Y tế kiến nghị
Người chuyển giới được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép chuyển đổi giới tính khám kiểm tra lại và công nhận tất cả các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính trước khi Luật chuyển đổi giới tính có hiệu lực (dựa trên tình trạng thực tế của cơ thể người chuyển đổi giới tính, không cần giấy tờ chứng minh).
Ông Quang cho biết thêm, hiện Việt Nam có nhiều cơ sở y tế đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật chuyển giới, với chi phí rẻ từ 8 – 10 lần so với nước ngoài.
Hồng Hải