1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế cập nhật lần 3 phác đồ điều trị Covid-19, nhiều điểm mới

(Dân trí) - Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đã họp, cập nhật lần 3 phác đồ điều trị Covid-19 theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới.

Đánh giá các thuốc điều trị đang thử nghiệm lâm sàng

Cuộc họp có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19; PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Giám đốc Trung tâm điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 cùng các thành viên Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.

Bộ Y tế cập nhật lần 3 phác đồ điều trị Covid-19, nhiều điểm mới - 1

Theo đó, các chuyên gia Hội đồng chuyên môn đã xem xét và cho ý kiến về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo hướng dẫn mới nhất của WHO và của một số nước trên thế giới.

Ngoài ra, Hội đồng chuyên môn cũng xem xét và đánh giá đối với một số thuốc đang được một số quốc gia thử nghiệm lâm sàng.

Do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị Covid-19, nên Bộ Y tế chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị. Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.

Các chuyên gia cũng khẳng định, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Tất cả cả các thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính. Việc sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bác sĩ, người dân không tự ý sử dụng thuốc tránh ngộ độc hay các tác dụng phụ không mong muốn gây ra.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) thay thế phiên hướng dẫn trước đó được ban hành ngày 6/2.

Trong đó có một số điểm mới như thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, vì tình hình dịch tễ đã thay đổi có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam.

Trường hợp nghi ngờ là người có bệnh sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính và không lý giải được bằng các căn nguyên khác và/hoặc có tiền sử đến/qua/ở từ vùng dịch tễ có bệnh Covid-19 khoảng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. Hoặc là người có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

Một điểm mới khác là hướng dẫn này là cũng yêu cầu theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh. Vì theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam trong thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.  Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi có diễn biến nặng thường 7-8 ngày.

Ngoài ra, với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân.

Hướng dẫn này cũng yêu cầu người bệnh sau khi điều trị khỏi bệnh ra viện, cần tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.

Hà Nội sẽ tiếp nhận bệnh nhân dương tính virus SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết, hiện nay ở phía Bắc, bệnh nhân Covid-19 hầu hết điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, với gần 50 ca bệnh, 300 người cách ly. Hiện có 3 bệnh nhân nặng đang được các cán bộ y tế chăm sóc và theo dõi sát tình hình bệnh tật, cũng như được Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn hằng ngày.

Tuy nhiên, sắp tới, các Bệnh viện Hà Nội sẽ chia sẻ bệnh nhân với BV Bệnh Nhiệt đới TW.

Để chuẩn bị đối phó với kịch bản có nhiều người nhiễm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, thiết kế việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn, chỉ chuyển tuyến người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong trường hợp thật sự cần thiết và khi bệnh nhân nặng.

Sở Y tế Hà Nội rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và khả năng tiếp nhận người bệnh Covid-19 của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và triển khai giải pháp tăng cường năng lực điều trị người bệnh Covid-19; sẵn sàng tiếp nhận người bệnh từ tuyến trung ương chuyển về và đối phó với các kịch bản dịch bệnh tiếp theo.

Bộ Y tế giao BV Bệnh Nhiệt đới TW sẽ tiếp nhận các ca bệnh nặng khu vực phía Bắc, BV Trung ương Huế tiếp nhận khu vực miền Trung và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy tiếp nhận các ca nặng khu vực miền Nam.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nhiệm vụ của các bệnh viện Hà Nội là phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, hạn chế không để bệnh nhân tử vong.Khi có những ca nghi nhiễm, các bệnh viện phải bố trí xe đảm bảo phòng hộ đưa bệnh nhân đến nơi được bố trí tiếp nhận, không được để bệnh nhân đi phương tiện công cộng.
Được biết, hiện Sở Y tế Hà Nội bố trí Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Tuy nhiên, trước mắt việc bố trí tiếp nhận mắc các ca dương tính nhẹ và chuyển về các bệnh viện ngoại thành như BV Bắc Thăng Long, BV Đa khoa Mê Linh….

Tú Anh