Bộ trưởng Y tế ra sách về những người thầy của ngành y Việt
(Dân trí) - Họ là những thầy thuốc đã đặt nền móng, ghi những dấu ấn quan trọng đối với các chuyên ngành của Y học Việt Nam như tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, tế bào gốc, ghép tạng, hỗ trợ sinh sản...
Nhằm ghi nhận và vinh danh những thế hệ thầy thuốc xuất sắc, có những đóng góp và cống hiến quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mới đây, Nhà xuất bản Y học đã phát hành cuốn sách “Những tấm gương Thầy thuốc Việt Nam” (tập 2) vinh danh 116 thầy thuốc tài năng, có y đức và nhân cách cao cả. Cuốn sách do Bộ trưởng Y tế - PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến chủ biên.
Cuốn sách kể về tấm gương mẫu mực của những nhà khoa học hàng đầu của nền y học hiện đại Việt Nham như GS. TS Hoàng Bảo Châu, GS. TSKH Đặng Ngọc Ký, GS. TS Hoàng Đức Kiệt, GS. TS Hà Văn Mạo, GS. TS Trần Đỗ Trinh, GS. TS Nguyễn Lân Việt, GS. TS. Đỗ Kim Sơn, GS. TS Nguyễn Tiến Bình, GS. TS Nguyễn Anh Trí, PGS. TS Nguyễn Việt Tiến… Đây là những tên tuổi, những thầy thuốc, bác sỹ đặt nền móng, ghi những dấu ấn quan trọng đối với các chuyên ngành của Y học Việt Nam như tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, tế bào gốc, ghép tạng, hỗ trợ sinh sản...
Tại thời điểm đó, nội soi được coi là sự “thần kỳ” của y học, là kỹ thuật còn rất mới mẻ ngay cả đối với một số nước có nền y học tiên tiến, với hệ thống thiết bị máy móc rất đắt tiền trị giá hàng trăm cây vàng.
Bác sỹ người Việt đầu tiên triển khai kỹ thuật này bằng những thiết bị đắt tiền… tự mua. Từ một giáo viên toán cấp 3 trở thành sinh viên của trường ĐH Y khoa Hà Nội rồi thành bác sỹ chiến trường, Trưởng phòng chuyên môn đầu tiên của Viện Sốt rét TƯ do GS Đặng Văn Ngữ làm Viện trưởng, sau đó được cử đi học nghiên cứu sinh tại CHDC Đức và bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sỹ khoa học y học chuyên ngành nội soi, GS. TSKH Đặng Ngọc Ký được giữ lại làm chuyên gia cho nước bạn. Trong thời gian công tác tại nước bạn, ông được tặng hai giải thưởng của Nhà nước CHDC Đức với số tiền tương đương 400 cây vàng. Ý thức trách nhiệm đưa ông tới quyết định năm 1971 dời nước Đức với những điều kiện kinh tế, kỹ thuật, môi trường làm việc hiện đại, tiên tiến để trở về phục vụ đất nước, phục vụ quê hương. Ông đã dùng toàn bộ số tiền thưởng và tiền dành dụm sau nhiều năm làm chuyên gia cho nước bạn để mua các thiết bị nội soi dạ dày, đại tràng ống mềm, trực tràng, khí quản, ổ bụng nguồn sáng lạnh - những thiết bị mà thời điểm đó bất kỳ bệnh viện llớn nào cũng mong muốn có được, mang về nước với mong muốn xây dựng một Trung tâm Nội soi hiện đại cho nước nhà.
Về Việt Nam, ông phải mất khá nhiều công sức để giải thích thế nào là nội soi, từng bước xây dựng giáo trình và giảng dạy nội soi cho các y, bác sỹ, nghiên cứu nhiều công trình khoa học, trong đó có 2 công trình cấp Nhà nước được coi là những thành tựu của y học. Niềm say mê của ông truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp và các lứa học trò. Họ cùng ông “rồng rắn” vác máy soi đi nhiều nơi trong cả nước, mang những tiến bộ của nội soi để thăm khám và điều trị cho hàng vạn bệnh nhân, cứu sống nhiều người bệnh. Ông đã hướng dẫn, giúp mở nhiều khoa nội soi, trung tâm nội soi cho các BV, sáng lập ra Trung tâm Nội soi - Bộ Y tế và Viện Nội soi - Bộ Quốc phòng. Những thiết bị nội soi ông mang về từ Đức chỉ được “nghỉ hưu” sau năm 1990, khi hệ thống mới được trang bị cho Trung tâm Nội soi do ông làm GĐ từ nguồn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản.
GS. TS Hoàng Đức Kiệt, nguyên Trưởng Khoa điện quang, BV Hữu nghị cũng là một người thầy tiên phong - người đầu tiên đưa tiến bộ y học trong chẩn đoán hình ảnh là chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner) và cộng hưởng từ y học (MRI) về Việt Nam. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại CHDC Đức, dưới sự hướng dẫn của GS người Đức Frederich Held, TS Kiệt đã nắm vững kỹ thuật này, dùng tiền học bổng mua và gửi nhiều bưu kiện sách về Việt Nam.
Năm 1990, TS Hoàng Đức Kiệt viết báo cáo đề đạt GS. Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế sự cần thiết phải trang bị máy CT - Scanner ở Việt Nam. Bộ trưởng báo cáo Chính phủ. Tháng 1/1991, một máy CT-Scanner trị giá 1 triệu USD được lắp đặt tại BV Việt - Xô và được giao cho TS Kiệt sử dụng. Khi bệnh viện có máy CT-Scanner, có thể nói đã có cuộc cách mạng trong kỹ thuật chẩn đoán. Nó giúp ông và các đồng nghiệp chẩn đoán chính xác, hiệu quả. Năm 1996, ông tiếp tục đề xuất trang bị máy chụp cộng hưởng từ y học (MRI) cho bệnh viện Việt Xô. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, tác giả của nhiều cuốn sách, nhiều công trình nghiên cứu khoa học.
GS. TS Nguyễn Tiến Bình, GĐ Học viện Quân y, là người có công đưa tên tuổi Việt Nam vinh danh trên bản đồ ghép tim thế giới. Năm 2009, ông nhận nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và thực hiện ghép tim trên người từ người cho chết não do nhà nước giao. Trước đó, không ít người ngần ngại về tính khả thi, về những khó khăn của công việc nhưng ông đã nhận.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là bệnh nhân đầu tiên dám tin tưởng lên bàn mổ; Ai là người đầu tiên hiến tặng trái tim của mình… và hàng trăm câu hỏi chuyên môn khác không dễ trả lời. Thế nhưng chỉ 10 tháng sau nhận nhiệm vụ, ngày 17/6/2010, ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam do các bác sỹ của BV 103, dưới sự chủ trì của GS Nguyễn Tiến Bình đã thành công mỹ mãn. Cặp tuyển chọn gồm người nhận là bệnh nhân Bùi Văn Nam 48 tuổi (Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn - suy tim độ 4, khó duy trì thêm cuộc sống, người cho tim là một bệnh nhân chết não. 8 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân Bùi Văn Nam đã khỏe mạnh và trở về với cuộc sống thường ngày, sum vầy cùng gia đình. Thành công của ca ghép tim đầu tiên ấy ghi dấu ấn quan trọng đối với ngành Y học ghép tạng tại Việt Nam.
Chúng ta cũng không khỏi ngưỡng mộ tấm gương của PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, người đã nghiên cứu, phát triển nhiều kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hiện đại, giúp cho hàng nghìn gia đình có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ. GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu TƯ được ghi nhận là người có công xây dựng và triển khai Chương trình tế bào gốc quốc gia, cứu được nhiều người bệnh đã được “tuyên án tử” vì bệnh ung thư máu…
116 tấm gương, 116 cuộc đời, 116 cơ duyên, hoàn cảnh đến với nghề y, 116 câu chuyện đời, chuyện nghề, nhưng đều có thể nhận ra mỗi câu chuyện đều hàm chứa sự hi sinh cao cả, tinh thần tận tụy, hết lòng vì người bệnh và nhiệt huyết xây dựng nền Y học Việt Nam lớn mạnh. Viết lời tựa cho cuốn sách, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Đây là những thầy thuốc tài năng, có y đức và nhân cách cao cả, họ đã cống hiến và phấn đấu không ngừng trên mọi lĩnh vực, trên nhiều chuyên ngành ở khắp mọi miền đất nước, cống hiến to lớn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần làm rạng rỡ nền y học Việt Nam. Những chân dung thầy thuốc trong bộ sách này thực sự là những điển hình tiêu biểu để mỗi cán bộ y tế phấn đấu noi theo. Cuốn sách là tài liệu quý, là bài học y đạo và y đức cho các sinh viên, thầy thuốc trẻ, để rồi chính họ tiếp nối những tấm gương mới…”.
Tuấn Phương