Bộ trưởng Y tế kiểm tra “điểm nóng” bệnh sốt xuất huyết
(Dân trí) - Dịch sốt xuất huyết đang lây lan, bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó Đồng Nai đang trở thành “điểm nóng” của bệnh. Trong buổi kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Kim Tiến chỉ ra ý thức quá kém của người dân đang là yếu điểm trong phòng chống sốt xuất huyết.
Theo thống kê sơ bộ của ngành y tế tỉnh Đồng Nai, tình đến ngày 9/9 trên toàn địa bàn ghi nhận khoảng 13 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 3 lần so với năm trước, trong đó có 2 ca tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở 10/11 địa phương, các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch trở thành điểm nóng với số ca bệnh tăng cao nhất.
Mặc dù ngành y tế của tỉnh đã quyết định chi hơn 22 tỷ đồng cho công tác phòng chống, tập trung nhân vật lực xử lý hơn 1,7 nghìn ổ dịch, thực hiện các biện pháp tuyên truyền nhưng trên thực tế vẫn chưa thể kiểm soát được dịch sốt xuất huyết.
Môi trường ô nhiễm do ý thức quá kém của người dân đang tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoành hành
Lý giải nguyên nhân sốt xuất huyết gia tăng ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm trước là do khởi điểm mùa dịch bệnh năm 2019 ở mức cao. Đồng Nai với đặc thù của tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp nên sự biến động dân số cơ học rất lớn dẫn tới miễn dịch quần thể giảm khiến nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng luôn ở mức cao.
Trên thực tế tại thành phố Biên Hòa và những huyện có các khu công nghiệp, lượng công nhân tập trung đông với rất nhiều khu nhà trọ. Hầu hết người lao động đều làm giờ hành chính, sáng đi, chiều về hoặc tăng ca tới đêm nên việc tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình trên, ngày 9/9 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn đã có cuộc kiểm tra thực địa công tác phòng bệnh tại phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa và kiểm tra công tác tiếp nhận, thu dụng, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và làm việc với UBND tỉnh.
Thực tế kiểm tra của Bộ trưởng Kim Tiến cùng đoàn ghi nhận ý thức rất kém của người dân trong công tác phòng bệnh, môi trường sống của nhiều hộ gia đình ngổn ngang vật dụng chứa nước ngoài trời, trở thành điểm lý tưởng cho muỗi sinh sản, tồn tại nhiều ổ lăng quăng nhưng không được lật úp.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, người dân vẫn chưa hiểu các vật dụng có thể chứa nước sạch chính là môi trường cho muỗi sinh sôi. Người dân cũng chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của diệt lăng quăng để phòng sốt xuất huyết. Cần hiểu rằng diệt muỗi chỉ là phương án giải quyết phần ngọn, cái gốc của việc phòng chống sốt xuất huyết là không tạo ra môi trường cho muỗi sinh sản, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết.
Sau khi kiểm tra công tác thu dung điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bộ trưởng Kim Tiến cũng đề nghị các bệnh viện và ngành y tế tỉnh nói chung cần tăng cường sàng lọc bệnh để giảm tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tránh lây chéo, dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết đồng thời chủ động các vật tư trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng tốt nhất với việc điều trị, giải tối đa người bệnh tử vong.
Để tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, giảm số ca mắc, tử vong tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị tỉnh Đồng Nai cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong khâu tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Cùng với các phương pháp vận động, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần triển khai xử phạt đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, tồn tại lăng quăng, bọ gây quanh khu vực thuộc quyền quản lý, sở hữu.
Bộ trưởng nhấn mạnh bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị, do đó người dân cần chủ động phòng tránh không để mắc bệnh. Trường hợp không may mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị. Sốt xuất huyết đã có phác đồ điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở nên người bệnh không cần lên bệnh viện tuyến trên để tránh quá tải và nguy cơ nhiễm chéo gây khó khăn hơn cho việc cứu chữa.
Vân Sơn – Phước Hải