Bộ trưởng Y tế: Dịch sởi bùng phát là do hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ nhiều đời cộng lại

(Dân trí) - Không chỉ gây họa cho trẻ em, người trưởng thành cũng đang bị dịch sởi tấn công phải nhập viện điều trị. “Sởi gây bệnh cho nhiều nhóm tuổi như hiện nay là hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ 3 đời cộng lại trong cộng đồng và còn đe dọa những thế hệ sau”.

Đó là khẳng định của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi thị sát công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TPHCM (ngày 9/3).

Bộ trưởng Y tế: Dịch sởi bùng phát là do hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ nhiều đời cộng lại - 1

Ngày càng có nhiều người trưởng thành trong tuổi sinh đẻ mắc sởi.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay: Từ năm 2018 đến hết tháng 2/2019, toàn thành phố ghi nhận 4.327 ca sởi. Thời điểm đầu năm 2019, dịch sởi tăng nhanh và đạt đỉnh dịch vào cuối tháng 1.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.634 ca mắc sởi, có tới 97% nhóm bệnh nhân trên 9 tháng tuổi mắc sởi được xác định chưa chích ngừa. Hiện, bệnh sởi đang hoành hành ở tất cả 24 quận huyện của thành phố, riêng những quận huyện giáp ranh các tỉnh có khu công nghiệp, số ca sởi tăng rất cao. Tại các bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, ngoài nhóm trẻ mắc sởi còn ghi nhận rất nhiều bệnh nhân ở tuổi trưởng thành phải điều trị vì bị sởi tấn công.

Bộ trưởng Y tế: Dịch sởi bùng phát là do hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ nhiều đời cộng lại - 2

Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhi điều trị tại Nhi đồng 1.

Thị sát thực tế của Bộ trưởng Kim Tiến về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn phường 15, quận 8 cho thấy bệnh gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó việc không giám sát được ca bệnh trên địa bàn, không tổ chức triệt để được khâu tiêm chủng đang là áp lực đối với lĩnh vực dự phòng.

Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8 cho hay: “Thực tế số trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin sởi cao hơn nhiều so với con số được thống kê bởi địa bàn quận 8 có số dân nhập cư đông. Nơi làm việc, chỗ ở của những người nhập cư thường xuyên thay đổi nên việc truyền thông kiến thức phòng bệnh, vận động đưa trẻ đi chích ngừa rất khó khăn. Mặt khác, nhiều phụ huynh khi con đến tuổi tiêm chủng nhân viên y tế mời nhiều lần nhưng họ kiên quyết từ chối vì sợ tai biến sau tiêm. Bên cạnh đó là nhóm trẻ con nhà giàu không tham gia tiêm chủng mở rộng mà chờ tiêm dịch vụ lúc 12 tuổi tuổi nên trong thời gian chờ đợi đã bị nhiễm bệnh”.

Bộ trưởng Y tế: Dịch sởi bùng phát là do hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ nhiều đời cộng lại - 3

Trẻ dưới 5 tuổi là nhóm đang bị sởi tập trung gây bệnh.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thanh phố cho hay: “Trên thực tế nhiều năm qua tỷ lệ tiêm chủng của thành phố luôn đạt ở mức 95% số trẻ được chích ngừa. Tuy nhiên, với đặc thù của đô thị có số dân đông nhất cả nước nên tỷ lệ tiêm chủng dù ở mức cao nhưng số trẻ không được tiêm chủng qua từng năm cũng ở mức rất cao nếu so sánh với các tỉnh thành khác. Với 5% không tiêm sởi mỗi năm, nếu 4 năm cộng dồn thì lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng đã lên tới 20%. Với hơn 4.300 ca mắc sởi trên địa bàn từ năm 2018 đến nay vẫn còn là may mắn trước thực tế nhóm trẻ chưa được chích ngừa ở mức rất cao”.  

Trước thực tế bệnh sởi đang tấn công những người trong độ tuổi trưởng thành và cả nhóm trẻ chưa đến tuổi chích ngừa (dưới 9 tháng tuổi), Bộ trưởng Y tế nhận định: Nguyên nhân cơ bản nhất là những người mắc bệnh không tiêm ngừa sởi từ khi còn nhỏ. Trước đây, chưa có vắc xin thì hầu hết trẻ đã bị mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao. Hơn 30 năm qua vắc xin đã được đưa vào chủng ngừa, những người làm mẹ, làm bố hiện nay trên dưới 30 tuổi mắc bệnh khá phổ biến thì cách đây gần 30 năm chắc chắn không được tiêm nên không có miễn dịch chủ động”.

Bộ trưởng Y tế: Dịch sởi bùng phát là do hậu quả của lỗ hổng miễn dịch từ nhiều đời cộng lại - 4

Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh công tác tiêm chủng, chủ động phòng bệnh.

Phân tích của Bộ trưởng Kim Tiến chỉ ra: “Khi lập gia đình, con của họ chào đời nếu may mắn thì có kháng thể tự nhiên, nếu kháng thể tự nhiên ở mức thấp thì nguy cơ trẻ mắc bệnh thậm chí bệnh nặng ở mức rất cao ngay từ khi chưa đến 9 tháng tuổi vì trẻ không nhận được kháng thể chủ động từ mẹ. Đây là hậu quả từ 3 đời cộng lại do ông bà không tiêm cho cha mẹ nên cha mẹ không có kháng thể đến khi sinh em bé ra không được bảo vệ nên mới mắc bệnh, nếu nhóm trẻ mới chào đời hôm nay vẫn không được chích ngừa thì thế hệ sau lại tiếp tục mắc sởi”.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ trưởng Y tế khẳng định chỉ có chích ngừa triệt để mới không bị nhiễm bệnh. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở Y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh: “Hiện nay, vắc xin sởi rất an toàn cho bệnh nhân, vắc xin không thiếu, các điểm tiêm chủng cần triển khai tiêm cho tất cả mọi đối tượng từ dân nhập cư cho đến dân bản địa, tiêm đúng lịch cho trẻ, vận động phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chủ động chích sởi trước khi mang thai để bảo vệ cho chính họ và thế hệ sau này”.

Vân Sơn

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm