1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ trưởng Y tế: Bệnh từ ký sinh trùng bị lãng quên!

(Dân trí) - Ngày 8/2, tại buổi thị sát, làm việc với Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, những bệnh từ ký sinh trùng là nhóm bệnh bị lãng quên do kinh phí đầu tư còn hạn chế. Trong khi người dân thì cứ vô tư chơi đùa, ôm ấp vật nuôi, ăn gỏi sống..


Bác sĩ Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương đang khám phát hiện nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cho 1 bệnh nhi. Ảnh: H.Hải

Bác sĩ Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương đang khám phát hiện nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cho 1 bệnh nhi. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện sốt rét- ký sinh trùng- côn trùng Trung ương cho biết các nghiên cứu cho thấy do tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao.

Trong đó, bệnh do giun truyền có tỉ lệ nhiễm rất cao. Ở học sinh tiểu học một số tỉnh tỷ lệ nhiễm giun còn cao như: Hà Giang (85%), Đắk Lăk (25%), Quảng Ninh (21%), Thanh Hóa (18%), Bình Thuận (18%)…

Ngoài các bệnh giun do vệ sinh ăn uống không đảm bảo, các bệnh sán truyền qua thức ăn (sán lá gan, sán phổi, ấu trùng sán lợn…), các loại đơn bào gây bệnh (amip, trùng roi)… cũng rất nguy hiểm.

Như với bệnh sán lá gan nhỏ, khi nhiễm sán lá gan sẽ gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan, gây xơ gan, có thể dẫn đến hiện tượng xơ hóa gan, cổ chướng, thoái hóa mỡ ở gan.

Trong khi đó, căn bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện tại 32 tỉnh thành trong cả nước với tỉ lệ từ 18%- 35% dân số ở các tỉnh Nam Định, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hoá, Ninh Bình... do tập quán ăn gỏi cá của người dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những bệnh từ ký sinh trùng là nhóm bệnh bị lãng quên do kinh phí đầu tư còn hạn chế, hơn nữa đây là những bệnh lý đặc thù, không nghĩ đến, khó phát hiện. Trong khi người dân thì cứ vô tư chơi đùa, ôm ấp vật nuôi, ăn gỏi sống…

Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu Viện phải tuyên truyền để người dân hiểu được các hành vi nguy cơ, thực hành đúng sẽ không mắc các bệnh lý nguy hiểm này.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát tại 4 viện về dự phòng. Ảnh: T.D

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát tại 4 viện về dự phòng. Ảnh: T.D

Tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, tinh giảm biên chế

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thị sát và làm việc 3 viện khác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp & môi trường và Viện Dinh dưỡng quốc gia) về công tác y tế dự phòng.

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng cho thấy các vấn đề như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, ung thư... đang gia tăng nhanh chóng và chiếm tới 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, 4 Viện trên cần phải tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, nhất là chú trọng công tác truyền thông để người dân có kiến thức, kỹ năng phòng bệnh.

Cũng trong buổi làm việc với 4 viện, Bộ trưởng cho rằng hệ thống y tế dự phòng tuyến TƯ hiện còn cồng kềnh, nhiều đầu mối (gần 600 biên chế/4 viện), trong khi xu hướng các nước trên thế giới đều sát nhập các viện về dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Bộ trưởng dẫn chứng tại Trung Quốc, nước bạn sát nhập 25 viện liên quan đến dự phòng.

Vì thế, Bộ trưởng Y tế cho biết thời gian tới sẽ kiện toàn lại mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến TƯ, giảm đầu mối, tinh giản biên chế như một số tỉnh, huyện đang tiến hành.

Trước đó, từ tháng 1/2016, Bộ Y tế tiến hành sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt với y tế dự phòng trước thực trạng nhiều địa phương tồn tại 5-7 trung tâm, cá biệt có nơi 12-15 trung tâm cùng chức năng gây lãng phí nguồn nhân lực, chi phí duy trì hoạt động các trung tâm này.

Hồng Hải