Truy ra đầu mối chất tạo nạc

1,4 tấn sản phẩm bổ sung dùng trong chăn nuôi chứa chất tạo nạc của Trung Quốc đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện tại kho của một công ty ở TPHCM, từ đây phân phối đi các tỉnh.

  

Truy ra đầu mối chất tạo nạc

Đoàn kiểm tra lập biên bản niêm phong và tạm giữ lô hàng dùng trong chăn nuôi có chất tạo nạc - Ảnh: C.T.V.

 

Ngày 6/4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C49) cho biết vừa phát hiện 1,4 tấn sản phẩm bổ sung dùng trong chăn nuôi chứa chất tạo nạc tại kho của Công ty TNHH Hồng Triển, Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM.

 

Tại thời điểm kiểm tra, trong kho của công ty có 56 thùng sản phẩm nhãn hiệu Gold Protein Peptide (SSI) do Công ty WuXi Zhengda Poultry (Trung Quốc) sản xuất, mỗi thùng chứa 25 gói, trọng lượng mỗi gói 1kg.

 

Đã nhập hơn 3 tấn

 

Thượng tá Đặng Văn Tốt, Phó trưởng phòng 6, C49, cho biết cách đây hơn nửa tháng, qua trinh sát C49 nghi vấn Công ty TNHH Hồng Triển tiêu thụ sản phẩm chứa chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nên đã bí mật lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm ngày 4/4 của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM xác định Gold Protein Peptide (SSI) có chứa clenbuterol và salbutamol.

 

Ngày 5/4, C49 phối hợp với Chi cục Thú y TPHCM, Đội quản lý thị trường quận Bình Tân kiểm tra đột xuất kho hàng và phát hiện số sản phẩm nói trên. Chi cục Thú y TPHCM trực tiếp lấy mẫu và kết quả kiểm nghiệm nhanh của Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị (thuộc Chi cục Thú y TPHCM) xác định Gold Protein Peptide (SSI) có chứa beta-agonists (clenbuterol, salbutamol), là chất tạo nạc không được phép sử dụng trong chăn nuôi.

 

Thêm 11 hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm

 

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, mới đây sở đã phát hiện 11 hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Trảng Bom, Thống Nhất. Sở đã xử phạt và chuyển toàn bộ vụ việc cho cơ quan công an điều tra.

Bà Trịnh Tú Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Triển, cho biết lô hàng chất tạo nạc này là của Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa gửi. Tại buổi làm việc, bà Linh đã trưng ra hợp đồng thuê nhà xưởng giữa Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa và Công ty TNHH Hồng Triển. Điều đáng lưu ý là Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa có trụ sở tại địa chỉ 118/8 Hòa Bình, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, do bà Linh làm phó giám đốc và chị ruột là bà Trịnh Tú Lệ làm giám đốc. Hai công ty này chuyên nhập khẩu và buôn bán chất bổ sung trong chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản từ Trung Quốc về VN.

 

Công ty TNHH Hồng Triển đã cung cấp cho đoàn kiểm tra một số chứng từ có liên quan đến Gold Protein Peptide (SSI). Trong đó có tờ khai hải quan ngày 21/2/2012 thể hiện khối lượng nhập Gold Protein Peptide (SSI) là 3 tấn. Ngoài ra còn có bốn tờ hóa đơn bán mặt hàng này cho các công ty tại Long An, Tiền Giang và Đồng Nai, bao gồm Công ty TNHH tiêu chuẩn dinh dưỡng gia súc Quốc Tế (huyện Cần Đước, Long An - khối lượng bán 50kg), DNTN Phước Thạnh (TP Tân An, Long An - 50kg), Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang (TP Mỹ Tho, Tiền Giang - 25 kg) và Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vàng (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - 25kg). Trong đó Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vàng là một trong các cơ sở đầu tiên ở Đồng Nai bị phát hiện kinh doanh chất cấm.

 

Chất cấm tạo nạc đang kinh doanh như thuốc phiện

Truy ra đầu mối chất tạo nạc


Một trong 56 thùng hàng dán nhãn Gold Protein Peptide (SSI) do Trung Quốc sản xuất có chứa chất tạo nạc - Ảnh: CTV
 

Chiều 6/4, làm việc với tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Xuân Dương, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nói: “Một bộ phận đã làm giàu từ chất cấm trong chăn nuôi. Nó không phải như thuốc phiện nhưng gần như vậy vì người ta xem kinh doanh chất cấm là kế sinh nhai”.

 

Theo ông Dương, Đồng Nai là một địa bàn đặc thù, nhiều địa phương trung chuyển heo và địa bàn này hiện có đến 1,2 triệu con heo nên các ngành phải vào cuộc nhanh để kiểm soát chất cấm.

 

Nói về tình hình sử dụng chất cấm trên địa bàn, ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết sau khi có thông tin về chất cấm, tháng 3/2012 đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thức ăn, nước tiểu trên đàn heo thịt để xét nghiệm bằng phương pháp ELISA (định tính), phát hiện 20 mẫu dương tính và đang tiếp tục phân tích định lượng. Riêng trong năm 2011, chi cục lấy 93 mẫu thức ăn chăn nuôi tại cơ sở giết mổ, chăn nuôi, doanh nghiệp và đại lý thức ăn đã phát hiện 16 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol.

 

Trước các thông tin về chất cấm sử dụng ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Xuân Dương nói heo bị rớt giá làm thiệt hại cho người chăn nuôi ước tính 2.100-3.000 tỉ đồng. Ông Dương đề nghị Đồng Nai làm điểm, yêu cầu người sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi giết mổ viết cam kết nói không với chất cấm. “Khi viết cam kết với chính quyền, nhân dân sẽ cùng tham gia tố giác những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi qua đường dây nóng để cơ quan chức năng xử lý”, ông Dương nói.

 

Ông Dương cũng cho rằng việc công bố thông tin về chất cấm thì ngành nông nghiệp không giấu nhưng công bố phải xác thực. Ông dẫn chứng gần đây Đồng Nai lấy 25 mẫu phân tích ELISA đã cho kết quả dương tính, nhưng sau đó phân tích định lượng chỉ có 3/25 mẫu dương tính với chất cấm. “Số liệu qua phương pháp ELISA chỉ mới định tính nên cần phải định lượng mới cho kết quả xác đáng. Nếu không, khi công bố sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi”, ông Dương đề nghị.

 

Quản lý chưa chặt

 

Ông Phạm Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai - cho hay ngành chăn nuôi Đồng Nai đã từng trả giá quá lớn, vì vậy, “vấn đề đặt ra là chúng ta đang có lỗi gì trong công tác quản lý?... Đã nói chất cấm phải cấm hết chứ sao ngành nông nghiệp cấm, còn ngành y tế không cấm triệt để các chất roctapamine, salbutamol, clenbuterol. Còn nói sử dụng chất này trong thức ăn, người sử dụng bị cái gì, tác động đến con người ra sao thì chưa thấy nói cụ thể”.

 

Ông Huỳnh Cao Hải, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho hay chưa có văn bản nào cấm sử dụng thuốc cho người lại sử dụng cho gia súc, nên có tình trạng nguyên liệu dược hết hạn dùng cho người thường đem làm nguyên liệu cho gia súc nên cũng là kẽ hở. Ông Hải kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Bộ Y tế xem lại các chất được sử dụng trong lĩnh vực dược nhưng cấm trong chăn nuôi, đồng thời phải quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu dược nhập khẩu.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: “Đã nói là chất cấm thì không cho sử dụng bất cứ hàm lượng nào. Hiện nay có hai nghi vấn lớn nhất là tỉ lệ chất cấm nằm trong thức ăn chăn nuôi và cả thuốc thú y. Do vậy chúng tôi đề nghị Đồng Nai phối hợp với thanh tra, công an truy tìm các đầu mối để truy cứu trách nhiệm những đầu mối, nguồn gốc đưa chất cấm vào thị trường”. Cũng theo bà Thu, Bộ NN&PTNT lo ngại câu chuyện thương lái tác động đến người nuôi để sử dụng chất cấm, sau đó mua giá cao, xuất chuồng sớm có lợi nên người nuôi nghe theo.

 

“Thương lái xúi sử dụng chất cấm thì ai quản lý nên Đồng Nai cũng nhờ đến công an để truy tìm các đầu mối này, vừa tuyên truyền cho người dân phòng ngừa”, bà Thu đề nghị.

 

Theo N.Triều - Đ.Tuyên - S.Định

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm